Hành động quyết liệt, giải quyết triệt để, gỡ bỏ thẻ vàng với thủy sản Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Đại biểu Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) phát biểu đề xuất một số giải pháp gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Hành động quyết liệt, giải quyết triệt để, gỡ bỏ thẻ vàng với thủy sản Việt Nam

Toàn cảnh phiên thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Ngày 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiến hành thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Đại biểu Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) phát biểu đề xuất một số giải pháp gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn đánh giá thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản là một trong những vấn đề đối ngoại mà Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả, vì nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ gây ra những tác động không nhỏ, trước hết là đối với hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tiếp theo là những thiệt hại về kinh tế trong lĩnh vực thủy sản, và hơn nữa sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, sinh kế của một bộ phận ngư dân Việt Nam.

Đại biểu nêu thực trạng ngư dân Việt Nam ra biển đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát đã diễn ra nhiều năm. Tháng 5/2017, Ủy ban Châu Âu đã cảnh báo và yêu cầu ngăn ngừa, loại bỏ tình trạng này. Đến tháng 10/2017, Ủy ban Châu Âu chính thức áp dụng thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam với lý do những nỗ lực của Việt Nam là chưa đủ và chưa hiệu quả.

Hành động quyết liệt, giải quyết triệt để, gỡ bỏ thẻ vàng với thủy sản Việt Nam

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu, trước tình hình đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu vẫn chưa được gỡ bỏ, thậm chí với các vụ việc vi phạm gần đây của tàu cá Việt Nam ở một số vùng biển, có thời điểm có thể dẫn đến việc Ủy ban Châu Âu sẽ áp dụng thẻ đỏ đối với ngành thủy sản. Nếu như vậy thì tất cả các sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào Ủy ban và rất có thể cũng bị nhiều nước khác trên thế giới áp dụng tương tự; thiệt hại về mặt kinh tế sẽ là rất lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đưa ra số liệu tổng hợp: từ 2019 đến nay, đã có 343 vụ với 557 tàu cá của Việt Nam bị các nước xử lý.

Tuy nhiên, cần phải xác định rằng, trong số các vụ việc nêu trên thì có tới 123 vụ với 188 tàu cá (chiếm tới hơn 1/3 tổng số vụ và tổng số tàu cá) của Việt Nam bị bắt giữ, xử lý tại vùng nước lịch sử và tại các khu vực biển chồng lấn chưa được phân định, hoặc nếu có thì cũng là ranh giới theo yêu sách đơn phương, không có giá trị pháp lý và không được công nhận. Đại biểu cho biết, riêng trong năm 2022 (tính đến 15/10), đã có tới 928 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, trong đó có 265 ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại các khu vực này.

Hành động quyết liệt, giải quyết triệt để, gỡ bỏ thẻ vàng với thủy sản Việt Nam

Đại biểu Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận.

Đại biểu chia sẻ: nhiều ngư dân của Việt Nam còn bị áp dụng hình phạt giam giữ trong khi Công ước Luật biển 1982 quy định không áp dụng hình phạt này đối với các vi phạm đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam và các nước nói trên cũng chưa có thỏa thuận riêng để giải quyết trường hợp ngoại lệ theo quy định của Công ước.

Từ đó, đại biểu nêu vấn đề, việc bắt giữ tàu cá, ngư dân Việt Nam đến khai thác ở những vùng biển chồng lấn và việc giam giữ ngư dân Việt Nam của một số nước cũng cần được đánh giá, xem xét lại một cách công bằng, khách quan, bảo đảm đúng với Công ước Luật biển 1982.

Trước tình hình trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị thêm với Chính phủ 3 giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cùng với việc tiếp tục tăng cường quản lý tàu cá, ngư dân, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của ngư dân và các cơ quan quản lý, các lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển về thực trạng các ranh giới biển trong biển Đông. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các phương án, đưa ra những kịch bản khác nhau phù hợp với thực tế từng vùng biển để ngư dân khi tiến hành hoạt động trên biển phải tuân thủ, chủ động ứng xử.

Thứ hai, đẩy mạnh việc đàm phán, hoạch định vùng biển chồng lấn với các nước liên quan để sớm có đường phân định cuối cùng hoặc thỏa thuận áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác phát triển chung vùng chồng lấn”, đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ cho các bên. Đồng thời xúc tiến đàm phán với các bên liên quan, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực để sớm đạt được thỏa thuận bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên sinh vật trong các vùng đặc quyền kinh tế biển theo quy định của Công ước Luật biển 1982.

Thứ ba, nên chủ động và sớm trao đổi một cách chính thức và rõ ràng với Ủy ban Châu Âu và các tổ chức quốc tế khác có liên quan về thực trạng bất đồng, tranh chấp trên biển Đông để họ hiểu rõ tính chất phức tạp và giá trị của các ranh giới biển, vùng chồng lấn trên biển Đông, từ đó làm rõ quan điểm của Việt Nam trước những ứng xử thiếu khách quan, thậm chí vi phạm quy định của Công ước Luật biển 1982 cũng như các thỏa thuận song phương hay đa phương trong khu vực.

Đối với những trường hợp tàu cá và ngư dân đã và đang bị nước ngoài bắt giữ ở vùng nước lịch sử, các khu vực biển chồng lấn thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải có phản ứng kịp thời để đấu tranh, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhanh chóng lên tiếng bằng các hình thức khác nhau với các quốc gia và các tổ chức quốc tế có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan trong thời gian tới sớm có những nghiên cứu sâu và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, toàn diện hơn để giải quyết triệt để vấn đề gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.