Kỷ niệm 198 năm ngày sinh Các Mác 5/5 (1818-2016)
Các Mác (1818-1883). Ảnh: tư liệu
Con gái Mác đã có lần hỏi cha: “Cha hiểu hạnh phúc là gì?”. Ông đã trả lời: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Câu trả lời ngắn gọn nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Sở dĩ Mác cho rằng, hạnh phúc là phải đấu tranh vì lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy xã hội luôn luôn vận động và phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.
Lịch sử xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp, các giai cấp đối lập trong xã hội luôn luôn đấu tranh với nhau, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn về mặt lợi ích mà cơ bản là lợi ích kinh tế. Các cuộc đấu tranh này suy cho cùng đều nhằm mục đích cải tạo hoặc thay thế xã hội đã lỗi thời nhằm xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn và mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho đa số người dân trong xã hội. Và một khi cuộc sống của đại đa số quần chúng nhân dân được cải thiện thì với họ là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao.
Còn trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người luôn đấu tranh chống động đất, lũ lụt, hạn hán… để khắc phục những trở ngại do tự nhiên gây ra, phục vụ đắc lực cho cuộc sống con người, giúp cho đời sống của con người được cải thiện thì khi đó con người cảm thấy hạnh phúc.
“Hạnh phúc là đấu tranh”, chỉ cần nhìn thực tế trên đất nước Việt Nam đã thấy rõ chân lý ấy. Để có cơ đồ như hôm nay, suốt mấy nghìn năm lịch sử, người Việt Nam sống trên dải đất hình chữ S đã phải đấu tranh với thiên nhiên, với giặc ngoại xâm không mệt mỏi để sinh tồn. Từ khi có Đảng lãnh đạo (3/2/1930), dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh để giành độc lập, tự do; biết bao đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân để làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.
Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân ta lại bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người Việt Nam lại bước vào cuộc đấu tranh chống nghèo nàn, lạc hậu. Kể từ Đại hội VI, Đảng thừa nhận có sản xuất hàng hóa trong chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó, những kỳ đại hội sau, Đảng đã xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối chiến lược nhất quán nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Kiên trì phát triển theo mô hình này, sau 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế nước ta có sự chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng KT-XH đã được cải thiện đồng bộ và hiện đại hơn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. QPAN được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được chủ động triển khai sâu rộng và có hiệu quả, đưa đất nước hội nhập khu vực và thế giới ngày càng toàn diện, sâu rộng hơn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, qua đó, làm tăng thế và lực cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Những năm gần đây, trước những diễn biến chính trị phức tạp trên thế giới và tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã kiên trì đấu tranh góp phần duy trì đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ khả năng lãnh đạo của Đảng trong thực hiện sứ mệnh lịch sử giao phó, giữ gìn mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Trong đấu tranh đã thể hiện tính Đảng nghiêm túc, tức là đấu tranh không khoan nhượng đối với những tư tưởng và hành động sai trái, từ đó, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Đảng vững mạnh.
Hơn 130 năm kể từ lúc Các Mác về cõi vĩnh hằng, chúng ta vẫn luôn nhớ tới ông với quan niệm hạnh phúc của con người là đấu tranh. Và cũng chính Mác đã dành cả cuộc đời mình đấu tranh cho sự tiến bộ của xã hội loài người. Cả cuộc đời ông đã đấu tranh không ngừng nghỉ để bảo vệ và hoàn thiện chủ nghĩa duy vật biện chứng, nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
“Hạnh phúc là đấu tranh”, mỗi người Việt Nam sẽ noi gương Các Mác đấu tranh để xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, góp phần xây dựng một thế giới ổn định và phát triển phồn vinh.