Mô hình du lịch trải nghiệm làng quê NTM tại trang trại ông Nguyễn Văn Bình ở xã Xuân Mỹ
Nền văn hóa đậm đà bản sắc
Về Nghi Xuân bây giờ không thấy người dân ở đây nói nhiều đến cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, bởi hầu hết đã đạt chuẩn. Chính quyền và người dân đang tiến đến một hành trình mới mẻ và đầy tự hào - đó là khơi gợi, xây dựng và bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và ngay tại thôn xóm.
“Chúng tôi sẽ làm được và làm tốt du lịch trải nghiệm trên nền NTM này” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hải Nam quả quyết.
Khẳng định của vị Chủ tịch huyện được chứng thực bằng trải nghiệm và cách làm cụ thể. Lợi thế lớn nhất và sẽ là trụ cột để Nghi Xuân quyết tâm đẩy nhanh chiến lược phát triển du lịch, đó là trầm tích văn hóa phi vật thể và quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.
Hiện Khu tưởng niệm Đại thi hào tại xã Tiên Điền đón hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi tháng. Chỉ cần 20% trong số đó lưu lại, thưởng thức ẩm thực, ra bến Giang Đình nghe ví, giặm, lẩy Kiều, thì đó là cơ hội tiếp thị du lịch tuyệt vời. Năm 2018, công trình quảng trường Nguyễn Du sẽ được khởi công trên khu đất rộng rãi ngay sát khu tưởng niệm. Dự án được kỳ vọng là “thỏi nam châm” hút du khách lưu lại, tham quan NTM kiểu mẫu và trải nghiệm du lịch đồng quê... Ngoài ra, huyện còn có một loạt điểm đến du lịch tâm linh, về nguồn, như: Khu di tích Nguyễn Công Trứ, đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, đền Củi, chùa Phong Phạn, chùa Thanh Lương…
Thú vị nhất là 100% thôn trong huyện đều thành lập CLB văn nghệ dân gian với các loại hình ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, chèo, lẩy Kiều... phục vụ đời sống tinh thần cho người dân, đồng thời, làm sản phẩm du lịch. Như khi du khách tới thăm thôn Phong Giang (xã Tiên Điền), sẽ được thưởng thức những tiết mục lẩy Kiều, hát ví, giặm… do chính bà con nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên… biểu diễn.
Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian thôn Lương Ninh (xã Xuân Đan) biểu diễn phục vụ bà con nhân dân.
Từ yêu cầu thành… nhu cầu
Trang trại của Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ Lê Văn Bình rộng 100 ha, có đủ loại địa hình bán sơn địa, VAC, trang trại, là kết quả sau gần 30 năm lao động của cả gia đình ông. Hiện rất nhiều doanh nghiệp từ TP Vinh đã chủ động đến đề nghị hợp tác sản xuất nông sản sạch theo chuỗi, bằng cách cung cấp giống, quy trình và bao tiêu phần lớn sản phẩm...
Ông Lê Văn Bình cho rằng, mục tiêu đầu tiên và cũng là đích đến của xây dựng NTM là người dân có ý thức cao, chủ động xây dựng cuộc sống của chính mình, về sâu xa đó chính là xây dựng con người văn hóa. Xây dựng NTM qua hành trình nhiều năm bền bỉ, từ yêu cầu đã trở thành nhu cầu, từ hy vọng đã trở thành khát vọng của người dân, các địa phương, của các cấp, ngành…
Cũng chính từ trang trại đẹp như… bên Tây của ông Lê Văn Bình đã tạo nguồn cảm hứng để UBND huyện chỉ đạo ngành văn hóa nghiên cứu xây dựng tour, tuyến du lịch trải nghiệm làng quê NTM. Du khách được tìm hiểu nền văn hóa lúa nước mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.
Được biết, ông Bình đang chuẩn bị nguồn vốn để đầu năm 2018 khởi công dãy nhà lưu trú, nghỉ dưỡng “mộc” ngay trong khuôn viên trang trại. Du khách sẽ có thời gian trải nghiệm cuộc sống thực tế sản xuất nông nghiệp của nông dân xưa và nay, như: Đánh bắt cá, ném cổ vịt, bắt lươn trong chum, xay lúa, giã gạo theo phương thức truyền thống; cùng chế biến, thưởng thức các sản phẩm vừa thu hoạch…