Toàn cảnh kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII
Mở đầu phiên làm việc chiều nay, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội Nguyễn Trí Lạc đọc Tờ trình về bổ sung một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn toàn tỉnh và Tờ trình về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên đi du học nghề giai đoạn 2019 - 2021.
Các đại biểu sẽ nghe và cho ý kiến về một số tờ trình, nghị quyết chuyên đề quan trọng.
Tiếp đó Trưởng ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh báo cáo thẩm tra lĩnh vực văn hóa xã hội
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực văn hóa xã hội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, các chính sách phát triển văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện; chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao; chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội tiếp tục được quan tâm; thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công đầy đủ, kịp thời; công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí được tăng cường.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh báo cáo thẩm tra lĩnh vực văn hóa xã hội
Chỉ rõ những tồn tại trên lĩnh vực văn hóa xã hội trong 6 tháng đầu năm, HĐND tỉnh để nghị thời gian tới, UBDN tỉnh quan tâm thêm một số nội dung: Chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn và phát huy tốt các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.
Có các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn; chỉ đạo quyết liệt vấn đề giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đảm bảo tỷ lệ giáo viên theo quy định. Quan tâm bố trí đội ngũ y, bác sỹ ở các tuyến, đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và internet.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng trình bày báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về công tác CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2018
Tại phiên họp chiều nay, HĐND tỉnh đã báo cáo đánh giá kết quả giám sát về công tác cải cách hành chính (CCHC) trong giai đoạn 2015-2018 của Thường trực HĐND tỉnh. Báo cáo đánh giá, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được các địa phương, đơn vị quan tâm ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp thực tiễn.
Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, thời gian, trình tự giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn và bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời. Chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được nâng cao. Tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước các cấp được củng cố, sắp xếp, kiện toàn đảm bảo đúng quy định, tinh gọn, hợp lý và phát huy hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành được đẩy mạnh...
Để tiếp tục đưa công tác CCHC đi vào chiều sâu, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đối với công tác CCHC.
Báo cáo giám sát cho rằng, để nâng cao chất lượng CCHC, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc gắn kết quả giải quyết TTHC, kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với việc đánh giá, xếp loại CBCCVC và công tác thi đua khen thưởng. Cùng với đó là thực hiện nghiêm túc kế hoạch biên chế đã được HĐND tỉnh giao; kịp thời phê duyệt kế hoạch tuyển dụng số công chức, viên chức còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, phức tạp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.Quan tâm bố trí kinh phí để đẩy mạnh thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc triển khai nâng cấp hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và xã...
Cũng tại phiên họp chiều nay, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ tỉnh
.
.
Đại biểu trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 10
Tiếp theo chương trình, Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn đọc Báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trình bày trực tiếp tại kỳ họp với 54 câu hỏi, 14 nhóm vấn đề.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10
Theo đó, các ý kiến, kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực như: kinh tế, nông nghiệp - nông thôn (13 câu hỏi, 19 kiến nghị được chia thành 2 nhóm vấn đề); tài nguyên môi trường (18 câu hỏi); đầu tư, giao thông, xây dựng (4 câu hỏi); văn hóa – xã hội (10 câu hỏi); nội chính – tư pháp (7 câu hỏi) và các vấn đề khác (5 câu hỏi).
Các kiến nghị này đã được UBND tỉnh trả lời cụ thể tại Kỳ họp.
Đại biểu theo dõi báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 10 do đại diện UBND tỉnh trình bày
Cũng trong nội dung làm việc chiều nay, HĐND tỉnh đã báo cáo tổng hợp các ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu HĐND ở các địa phương.
Ngoài việc đánh giá, phân tích thêm về những nguyên nhân, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, các tổ đại biểu HĐND cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt cao nhưng chủ yếu dựa vào sản xuất thép của Formosa, trong khi các khu vực ngành kinh tế khác đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi trong khi công tác phòng chống dịch bệnh chưa thực sự quyết liệt.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền báo cáo tổng hợp các ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu HĐND ở các địa phương
Một số dự án sản xuất nông nghiệp triển khai không hiệu quả nhưng chậm có phương án xử lý; số lượng mô hình hợp tác xã nhiều nhưng còn hình thức, hiệu quả hoạt động chưa cao; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường còn nhiều hạn chế.
Các vấn đề bất cập, tồn đọng trong các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, y tế, xóa đói giảm nghèo vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thỏa đáng. An ninh trật tự tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là liên quan các dự án xử lý rác thải ở các huyện Đức Thọ, Kỳ Anh; việc khai thác thủy sản bằng giã cào, kích điện tại các địa phương còn diễn biến phức tạp.
Để đạt được những kết quả, mục tiêu đề ra cả năm, trong 6 tháng cuối năm, các tổ đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị tỉnh cần tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án, nhất là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quan tâm lấp đầy các khu, cụm công nghiệp gắn với đầu tư khu xử lý nước thải tập trung.
Đẩy mạnh khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn; tà soát, cân đối, ưu tiên nguồn lực để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước và tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai, khai thác khoáng sản và môi trường.
Ngoài ra, các tổ đại biểu HĐND kiến nghị tỉnh cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, sớm soát xét, ban hành các chính sách và bố trí nguồn kinh phí thực hiện sáp nhập xã; chính sách cho cán bộ dôi dư và xử lý hiệu quả cơ sở hạ tầng sau sáp nhập xã; quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể…
Cuối phiên làm việc chiều nay, đại biểu HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận tại hội trường để góp ý vào báo cáo KT-XH và các tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
Đại biểu Trịnh Văn Ngọc - Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại hội trường
Đại biểu Trịnh Văn Ngọc - Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh đồng thuận cao với báo cáo KT-XH trình tại kỳ họp. Mặc dù có nhiều yếu tố khó khăn nhưng được sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, kết quả các chỉ tiêu chính trị trên địa bàn đạt tương đối khả quan.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng 12,78% là con số ấn tượng; thu ngân sách 6 tháng đầu năm thường thấp hơn 50% nhưng 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt cao với 53%; công tác CCHC được chú trọng, các chỉ số đánh giá được nâng hạng, tăng bậc so với cùng kỳ.
Tuy vậy, lĩnh vực xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các mặt hàng truyền thống có tỷ trọng thấp; công nghiệp nông thôn chưa có nhiều mô hình, dự án; sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro; du lịch chưa khai thác hết tiềm năng; xử lý tài sản công chưa đáp ứng tiến độ…
Đại biểu Trịnh Văn Ngọc hiến kế các giải pháp phát triển KT- XH tỉnh nhà như: quan tâm đến chất lượng tăng trưởng bằng việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, đưa các chính sách vào cuộc sống; ủy quyền địa phương phê duyệt đầu tư tránh rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; có giải pháp rõ xử lý kịp thời dự án không khả thi; đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp; quy định mức “trần” vay đối với chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Đại biểu Bùi Nhân Sâm – Tổ đại biểu Can Lộc
Còn đại biểu Bùi Nhân Sâm – Tổ đại biểu Can Lộc cho rằng, báo cáo KT-XH cần đánh giá sâu hơn về những hạn chế như: Chỉ có 22% doanh nghiệp trong tổng số hơn 4.600 doanh nghiệp được cấp mã số thuế có phát sinh thuế; tiến độ nhiều khoản thu chưa đạt dự toán, nợ thuế còn cao; tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB còn chậm; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp thấp; khai thác trái phép khoáng sản vẫn xảy ra…
Đề xuất các giải pháp phát triển trong thời gian tới, đại biểu Bùi Nhân Sâm cho rằng, cần có giải pháp chuyển chăn nuôi lợn sang chăn nuôi các sản phẩm khác; quan tâm rà soát, thực hiện có hiệu quả các chính sách, nghị quyết mà HĐND tỉnh ban hành; có giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân thành động lực tăng trưởng, đặc biệt quan tâm thu hút doanh nghiệp nông nghiệp;
Đảm bảo tỷ lệ giáo viên theo quy định để phục vụ công tác dạy và học; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thúc đầy thương mại dịch vụ; nghiên cứu quy hoạch, tránh triển khai ồ ạt các dự án năng lượng mặt trời để đảm bảo môi trường sinh thái, sinh kế của người dân; nâng cao mức vay 25 triệu đồng/hộ đối với chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo…
Đại biểu Trần Hậu Tám- Tổ đại biểu huyện Thạch Hà
Bên cạnh đồng tình với việc UBND tỉnh đã nghiêm túc chỉ ra các hạn chế và những nguyên nhân chủ quan, đại biểu Trần Hậu Tám băn khoăn vì một số tồn tại mà cử tri kiến nghị chậm được tiếp thu và giải trình đầy đủ, kịp thời; nhiều vấn đề tồn tại các kỳ họp trước đã chỉ ra vẫn chưa được khắc phục, khắc phục chậm hoặc không triệt để.
“Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi có những nguyên nhân cần làm rõ để có hướng khắc phục như: Vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; năng lực tham mưu, kiểm tra, thanh tra, giám sát, của các cơ quan chức năng chưa được phát huy và quy trách nhiệm rõ ràng; công tác cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực có chỗ chưa hợp lý, chưa thông thoáng” - đại biểu Trần Hậu Tám thẳng thắn phân tích.
Đại biểu Trần Hậu Tám đề xuất các giải pháp trong thời gian tới như: Tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; tích cực tổ chức đối thoại của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhân dân, đặc biệt là cấp cơ sở;
Tiếp tục đổi mới công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả các trung tâm hành chính công trong phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực; đôn đốc chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo...
Ngày mai (16/7), Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục ngày làm việc thứ hai với các nội dung: Thảo luận tại hội trường; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Báo Hà Tĩnh tiếp tục thông tin đến bạn đọc.