Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang thúc đẩy các cuộc thảo luận về khả năng triển khai tên lửa trên đất liền ở châu Âu, đồng thời xem xét việc cải thiện kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Dù nguồn tin không nêu rõ khi nào kế hoạch sẽ được thực hiện và những loại tên lửa nào sẽ được triển khai, song cho biết mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao khả năng phá hủy vũ khí của Nga. Trong trường hợp cần thiết, hệ thống tên lửa của Mỹ có thể chủ động tấn công các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga.
Nói về kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ, trang Sputnik dẫn một số nguồn tin quân sự cho rằng, nhiều khả năng Mỹ sẽ tái triển khai hệ thống Tomahawk phóng từ mặt đất đã được giải trừ từ năm 1991 do Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký kết tháng 12/1987.
Hệ thống BGM-109 Gryphon. |
Nhận định của Sputnik hoàn toàn có cơ sở bởi trước đó, Mỹ đã nhiều lần tố Nga vi phạm INF. Lần gần đây nhất là vào tháng 7/2014, phía Mỹ đã cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF về cấm chế tạo, phát triển và phóng thử tên lửa hành trình với tầm bắn từ 500 – 5.500km.
Theo nguồn tin này, việc tố Nga chỉ là bước đầu tiên để Mỹ tái triển khai một số hệ thống vũ khí bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF, trong đó có hệ thống tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất.
Theo những thông tin được công khai, phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk bắn từ mặt đất được định danh là BGM-109 Gryphon bắt đầu đphát triển từ những năm 1970 và thử nghiệm lần đầu tháng 5/1982.
Tới năm 1983, loại tên lửa này đã được triển khai tới châu Âu đặt ở 6 nước gồm Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức và Italy, với mục đích phá hủy hệ thống tên lửa đạn đạo di động RSD-10 Pioner (SS-20 Saber) của Liên Xô.
Đạn tên lửa hành trình BGM-109 Gryphon dài 6,4 m, đường kính thân 0,52 m và trọng lượng khi phóng 1.470 kg. Tên lửa được lắp đầu đạn hạt nhân đơn khối W-84 vốn dựa trên bom hạt nhân B61, sử dụng hệ thống dẫn đường INS/TERCOM, được lắp trên hệ thống phóng TEL.
BGM-109 Gryphon sử dụng động cơ đẩy bằng nhiên liệu rắn MK 106, có tốc độ cận âm 880 km/h và phạm vi tác chiến 2.500 km. Mỗi hệ thống phóng tự hành có 4 ống phóng mang theo 4 quả tên lửa BGM-109 Gryphon.
Và trong trường hợp tên lửa này được tái triển khai tại châu Âu, thì Isknader-M - vũ khi chiến lược vốn đươc coi là công cụ răn đe đối phương của Nga không còn ý nghĩa bởi tầm bắn của tên lửa Mỹ lên tới 2.500 km trong khi đó tầm bắn xa nhất của Iskander-M chỉ vẻn vẹn 500km.
Vậy để tạo nên thế đối trọng trong trường hợp này, Nga có thể viện tới vũ khí nào? Theo nguồn tin tình báo phương Tây, rất có thể phiên bản Iskander-K có tầm bắn lên tới trên 2.000km đã được Moskva tính đến.
Và để chuẩn bị cho phương án này, người Nga đã âm thầm thử nghiệm loại vũ khí này trong thời gian qua. Tuy nhiên, ngoài tầm bắn được tiết lộ thì sức mạnh của Iskander-K đang là điều bí ẩn không thể khám phá đối với phương Tây.