Hình ảnh hoa phượng ở đây thể hiện sự xúc động mạnh của tâm hồn trẻ thơ, sau ngày thầy giáo lên đường nhập ngũ, để chiến đấu bảo vệ ngôi trường thân yêu và giữ gìn bình yên cho các học trò của mình. Đó là hoàn cảnh trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của máy bay giặc Mỹ ở miền Bắc nước ta, vào những năm 1965 - 1972. Chúng đã ném bom vào trường học và tàn phá quê hương nên:
“Thầy đã cầm súng ra đi
Bài tập đọc dạy chúng em dang dở
Hoa phượng
Hoa phượng cháy một góc trời như lửa”
Nhưng rồi nhà thơ thật sự ngỡ ngàng vì một bàn chân của thầy không còn nữa, sau khi trở về, với bao nỗi niềm thương yêu. Tác giả đã có những câu thơ giàu hình ảnh và ý tưởng hội tụ ở khổ thơ thứ ba, qua những liên tưởng đầy tâm trạng:
“Đôi bàn chân
In lên cổng trường những chiều giá buốt
In lên cổng trường những chiều mưa dầm
Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo”
Nhà thơ đã có những triết lý sâu sắc cùng những nhận thức về sự mất mát của người thầy, chính là sự thiếu hụt của cuộc sống cần bù đắp. Có thể nói câu thơ đặc sắc nhất đã được bật lên từ cảm xúc của tâm hồn thơ ca của một “Thần đồng thơ” ngày nào:
“Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo
Như nhận ra cái chưa hoàn hảo
Của cả cuộc đời”
Nói đó là những câu thơ đặc sắc nhất là bởi lẻ tiếp theo khổ thứ tư của bài thơ, dù có câu kết rất trúng về tứ thơ như:
“Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất
Vẫn dẫn chúng em đi trọn cuộc đời”
Nhưng thật tình đó là loại kết tứ thông thường, bởi cấu trúc bài thơ đòi nó phải có ý nghĩa đó, và tư tưởng của bài thơ dẫn đến triết lý đó để bù cho sự nhận biết cái “chưa hoàn hảo của cả cuộc đời”. Do vậy cái trục của bài thơ lại nằm ở câu thơ trên. Câu kết chỉ là hệ quả tự nhiên cần đến và làm nên một tứ thơ hoàn chỉnh. Bài thơ của Trần Đăng Khoa hay là ở chính sự chặt chẽ đó cùng với cảm xúc rất sâu sắc về tình nghĩa thầy trò trong thời kỳ chiến tranh và nhìn ra được bản chất cuộc chiến tranh dân tộc ta.
Thơ về thầy, cô giáo lâu nay là đề tài của hàng triệu người học trò mỗi khi xúc động nhớ đến mái trường thân yêu của mình. Hàng trăm nhà thơ cũng đều có bài thơ viết về tuổi học trò và hình ảnh của thầy, cô giáo với bao nỗi niềm suy tư đáng trân trọng nhất.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi còn trẻ cũng đã thể hiện tài năng của mình, ngoài những bài thơ về quê hương, đất nước, về gia đình bè bạn, anh còn có những bài thơ về nhà trường để lại ấn tượng khó quên. Riêng về bài thơ “Bàn chân thầy giáo” là một tác phẩm điển hình, và là một trong những bài thơ hay về đề tài nhà trường, trong văn đàn nước nhà.