Đoàn Hà Tĩnh tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo một số ngành, đơn vị.
"Hoàng hoa sứ trình đồ" của Hà Tĩnh chính thức trở thành Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. (Trong ảnh: Cuốn sách cổ "Hoàng hoa sứ trình đồ" được xuất bản phục vụ Hội nghị).
Hành trình đi sứ Trung Hoa (tức Hoàng hoa sứ trình đồ) là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý giá về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768, từ các tài liệu của các thế hệ đi trước, đồng thời bổ sung các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 8 - Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Đây là cuốn sách cổ của dòng họ Nguyễn Huy (ở xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn những năm 1765 - 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông, có kích thước 30cm x 20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó.
Hoàng hoa sứ trình đồ được vẽ với 3 loại màu, trên giấy dó bằng chữ Hán với nội dung chính là: Bản đồ về hành trình đi sứ từ biên giới giữa Việt - Trung qua các châu, phủ, huyện, dịch trạm tới điểm cuối là huyện Tân Thành, Bắc Kinh; ghi chú rõ ràng về quá trình đi sứ: thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ chiều đi và chiều về; ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ; chiều dài của mỗi dịch trạm, chiều dài toàn bộ đường thủy bộ đi sứ; cấu trúc, thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh; cùng các ghi chép tỉ mỉ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người, và nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương Trung Quốc và Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng các đại biểu xem bản "Hoàng hoa sứ trình đồ"
Hoàng hoa sứ trình đồ hiện là bản sao chép tay duy nhất do con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu, chứa nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa từ giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVIII.
Đây là tác phẩm quý hiếm và độc đáo, có giá trị nhiều mặt: địa lý, lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hoá, phong tục, nghệ thuật... và là cuốn sách độc đáo hiếm gặp về hành trình đi sứ mà một dòng họ lưu giữ được.
Đoàn đại biểu UNESCO Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm sau khi nghe MOWCAP công bố kết quả.
Tại Hội nghị lần thứ 8 của MOWCAP có 10 bộ hồ sơ của các nước tham gia đệ trình, trong đó Việt Nam chỉ duy nhất có bộ hồ sơ "Hoàng hoa sứ trình đồ" của Hà Tĩnh. Qua đàm luận, trao đổi, vào lúc 17 giờ 30 phút giờ Hàn Quốc giờ (15 giờ 30 giờ Việt Nam), các thành viên MOWCAP đã bỏ phiếu đồng ý công nhận 10 bộ hồ sơ, trong đó có "Hoàng hoa sứ trình đồ" của Việt Nam là Di sản tư liệu ký ức thế giới, với số phiếu 17/17 (100%). Năm 2016, tại Hội nghị MOWCAP lần thứ 7 tổ chức tại TP Huế, Việt Nam có 2 di sản được công nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới là: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh). |