"Học luật" trong Trại Tạm giam Công an Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến buộc phải cách ly với xã hội, trong đó phần lớn là do kiến thức và nhận thức pháp luật của các phạm nhân còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Trại Tạm giam - Công an Hà Tĩnh đã tập trung giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng luật pháp cho các can, phạm nhân.

7h30 một sáng thứ 7, buổi sinh hoạt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) định kỳ của Trại Tạm giam Công an tỉnh mới bắt đầu nhưng mới hơn 7 giờ, các phạm nhân đã tập trung đông đủ về “lớp học”. Việc quét dọn, kê lại bàn ghế, giá sách được các phạm nhân tự giác thực hiện gọn gàng, sạch sẽ.

Phạm nhân dọn dẹp vệ sinh phòng học từ sáng sớm.

Tranh thủ trước giờ “vào lớp”, Trần Văn D. (thị trấn Tây Sơn) gặp cán bộ quản giáo trả lại cuốn tài liệu pháp luật quy định về tha tù trước thời hạn.

D. tâm sự: “Tôi đang chấp hành án phạt tù 2 năm vì tội đánh bạc, cũng đã đủ thời gian và điều kiện để xét tha tù trước thời hạn rồi. Do thiếu hiểu biết nên tôi đã vi phạm pháp luật và phải trả giá. Những buổi PBGDPL như thế này thật ý nghĩa, giúp chúng tôi có thêm kiến thức pháp luật, nhận ra lỗi lầm và cố gắng chấp hành án tốt để sớm được trở về với gia đình”.

Ngoài các kiến thức pháp lý được cán bộ trại tuyên truyền, phổ biến, các phạm nhân còn mượn tài liệu pháp luật về tự học.

Buổi "học luật" hôm nay, các phạm nhân được Thượng úy Bùi Xuân Đạt – cán bộ giáo dục Trại tạm giam phổ biến chuyên đề về các quy định của pháp luật liên quan đến đặc xá, giảm án tha tù dịp Quốc khánh 2/9. Các phạm nhân chăm chú lắng nghe, những người đến hạn xét giảm thì đối chiếu xem mình đã đủ điều kiện hay chưa, người mới thì biết mình cần phải làm gì để “tích lũy điểm” cho những lần xét giảm sau.

Nhiều phạm nhận đăng ký câu hỏi và được Thượng úy Bùi Xuân Đạt trả lời cụ thể, chi tiết. "Lớp học" diễn ra như bất kỳ một chương trình PBGDPL bình thường nào đó, điều khác biệt duy nhất chỉ là bộ quân phục của người giảng dạy và bộ quần áo kẻ sọc đen - trắng của các phạm nhân.

Điều khác biệt ở lớp học này là bộ quân phục của người giảng dạy và bộ quần áo kẻ sọc đen - trắng của các phạm nhân.

Cầm trên tay cuốn “Cẩm nang tra cứu pháp luật về đầu tư”, Phạm Đăng K. (TP Hà Tĩnh) cho biết: Hiện tôi đang chấp hành hình phạt 42 tháng tù giam về án kinh tế. Học cử nhân kinh tế nhưng kiến thức pháp lý về kinh tế trong nhà trường chưa đủ, nên tôi đã sa chân ở trường đời. Trong trại, tôi có nhiều thời gian hơn để “học luật”. Nhất là từ tủ sách pháp luật của trại, tôi có điều kiện tự trang bị kiến thức pháp lý cho mình.

Hiện nay, Trại Tạm giam Công an Hà Tĩnh đang quản lý 50 phạm nhân. Đa phần có hoàn cảnh, nhân thân phức tạp, nhận thức về pháp luật không đồng đều. Do đó, để phổ biến, giáo dục và hướng thiện họ trở thành công dân có ích cho xã hội, mỗi cán bộ, quản giáo nơi đây đều phải dồn tâm huyết vào từng trang giáo án, xây dựng chương trình giảng dạy làm sao cho dễ hiểu, dễ nhớ và hiệu quả nhất.

Thượng úy Bùi Xuân Đạt cho biết: Nội dung của mỗi buổi học được chúng tôi chuẩn bị tỉ mỉ, cụ thể cho từng đối tượng. Đối với phạm nhân mới đến, thường tập trung tuyên truyền, phổ biến về đạo đức, lối sống, quy định của Trại; với những phạm đang thi hành án, thì các buổi PBGDPL sẽ đa dạng hơn, đi sâu vào những kiến thức liên quan đến Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình...

Ngoài tổ chức các buổi PBGDPL tập trung tại hội trường do cán bộ trai giam đứng lớp, đơn vị cũng phối hợp với Hội Luật gia mỗi tháng tổ chức một buổi tuyên truyền để phổ biến các quy định, văn bản pháp luật mới đến phạm nhân. Cùng đó, tăng cường các biện pháp tuyên truyền như trao pano, áp phích trong khuôn viên trại; cho phạm nhân mượn sách báo, tài liệu…

Với vốn kiến thức pháp lý được trang bị, các phạm nhân an tâm cải tạo, cố gắng vươn lên để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Nhờ cách làm bài bản, khoa học trong PBGDPL, nhiều năm nay, tình trạng vi phạm quy định của trại viên được hạn chế; hoạt động và giờ giấc sinh hoạt của trại đi vào nền nếp.

"Để công tác GDPBPL cho phạm nhân đạt kết quả tốt, đòi hỏi cán bộ phải nghiên cứu, trau dồi kiến thức pháp luật; thường xuyên cập nhật thông tin, văn bản, chính sách mới... Bên cạnh đó, phải gần gũi, nắm bắt tư tưởng của từng phạm để có biện pháp tác động, giáo dục, chia sẻ kịp thời, giúp họ yên tâm cải tạo, sớm trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội” – Thượng úy Bùi Xuân Đạt chia sẻ.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói