Hơn 11 ngàn con em Hà Tĩnh anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

(Baohatinh.vn) - Khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc xẩy ra, quân dân Hà Tĩnh đã kề vai sát cánh cùng quân dân cả nước lên đường ra trận. Hơn 11 nghìn người con của quê hương núi Hồng sông La đã tham gia cuộc chiến, trong số đó rất nhiều người đã để lại một phần thân thể hoặc mãi mãi nằm lại trên chiến trường…

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979- 7/1/2019)

CCB của Sư đoàn 341 tại Hà Tĩnh gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979 - 7/1/2019)

Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà ấm cúng ở thị trấn Nghèn (Can Lộc), khi nói về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Tây Nam, Đại tá Lê Văn Dần – CCB Trung đoàn 270 (Sư đoàn 341) vẫn còn nhớ như in từng trận đánh giành lại từng tấc đất bị lấn chiếm, truy kích đến tận hang ổ của bọn diệt chủng Pôn Pốt.

“Cuộc chiến diễn ra khốc liệt nhất là giai đoạn quân đội ta tập trung lực lượng mở các đợt phản công, truy kích quân Pôn Pốt từ cuối năm 1977 đến năm 1979. Thời gian này, sư đoàn 341 của chúng tôi được xác định là một trong những sư đoàn chủ lực cơ động của Bộ Quốc phòng. Ác liệt nhất là vào quãng thời gian sau khi đã tái chiếm những vị trí bị chiếm đóng, chúng tôi đã cùng quân dân nước bạn đánh chiếm bến phà chiếc lược Neak Luong để mở đường thọc sâu vào Phnôm Pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt…” CCB Lê Văn Dần nhớ lại.

Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh (tháng 1/1979) Ảnh: TTXVN

40 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức khốc liệt của cuộc chiến vẫn in nguyên trong tâm khảm của mỗi người lính – con em Hà Tĩnh, đã tham gia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

“Tuổi 20 của chúng tôi chạy dài trên những bước đường tiến quân ở mặt trận Tây Nam của Tổ quốc. Những đồng đội của tôi người thì đã để lại một phần thân thể, người thì mãi mãi nằm lại trên đất bạn… Trong lần trở về chiến trường xưa mới đây, tôi đã may mắn tìm lại được một số đồng đội. Đó là món quà quý giá nhất của tôi, làm sống lại quãng thời gian cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc…”, Trung tá Nguyễn Văn Thắng – CCB Trung đoàn 266 (Sư đoàn 341), Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 341 tại Hà Tĩnh, chia sẻ.

CCB Nguyễn Văn Thắng trò chuyện với bà Tư ở xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh, tháng 12/2018). Năm 1978, "trụ sở" chỉ huy của đơn vị ông Thắng được đặt tại nhà của bà Tư

Được biết, bước vào giai đoạn chiến đấu ác liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Hà Tĩnh đã cùng quân dân cả nước huy động hơn 11 ngàn con em lên đường nhập ngũ, tham gia trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Trong 10 năm (1979-1989) giúp cách mạng Camphuchia, quân tình nguyện Việt Nam trong đó có những người con quê hương Hà Tĩnh đã phát huy tinh thần quốc tế trong sáng, chiến đấu dũng cảm, đối diện với bao hiểm nguy, khí hậu khắc nghiệt, không ngại hy sinh gian khổ, giúp bạn truy quét bọn tàn quân Pôn Pốt; góp phần quan trọng củng cố chính quyển cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, ổn định cuộc sống cho người dân Camphuchia.

Đoàn CCB của Sư đoàn 341 tại Hà Tĩnh thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979 - 7/1/2019)

Nhiều con em Hà Tĩnh sau này đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong quân đội như: Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình - nguyên Phó Chính ủy Quân khu 4, Đại tá Lê Viết Cảnh - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đại tá Hoàng Xuân Hoa - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đại tá Lê Đình Huyền - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạch Hà...

Trưởng ban Tổ chức – Bộ CHQS tỉnh

Chủ đề NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói