70 tuổi, Trưởng thôn Mai Xuân Vị đã có hơn 20 năm gắn với chức danh trưởng thôn vùng giáo
Đảm đương vị trí “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” hơn 20 năm qua, hơn ai hết, thôn trưởng Mai Xuân Vị biết cần phải làm gì để dân nghe, dân tin và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông chia sẻ: "Thôn Đông Yên 1, xã Kỳ Lợi (hiện đang tái định cư tại tổ dân phố Ba Đồng, xã Kỳ Phương) có 287 hộ với 1.158 nhân khẩu, 100% người dân có đạo. Thời điểm năm 2013, khi Nhà nước có chính sách di dời các hộ dân lên khu tái định cư thì công tác giải phóng mặt bằng, đền bù gặp rất nhiều khó khăn.
Bà con vốn dĩ theo nếp sinh hoạt cũ, nên nghe đến việc chuyển đi sinh sống ở một nơi mới, ban đầu không tránh khỏi những lo lắng, băn khoăn. Ban Cán sự thôn lúc đó cũng khá đau đầu trong việc vận động cho bà con hiểu rõ mà đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời.
Ngoài ra, nhiều đối tượng cũng lợi dụng sự việc này để gây nhiễu loạn, khiến tình hình “khó chồng khó”. Tuy nhiên, là cán bộ thôn nhưng cũng là một con chiên nên điều trước tiên chúng tôi nghĩ đến là phải sống “tốt đời, đẹp đạo”, phải luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vậy nên, chính cán bộ chúng tôi phải làm gương trong việc tiên phong di dời, để từ đó động viên bà con noi theo…”.
Mọi công việc được ông Vị ghi chép cẩn thận để triển khai cụ thể các phần việc đến bà con trong thôn
“Nói đi đôi với làm”, ông Vị là một trong những người đầu tiên nhận tiền đền bù GPMB, di dời gia đình lên khu tái định cư Ba Đồng. Cùng với đó, ông không quản nắng mưa, đêm ngày, “mòn gót” đi tới từng hộ dân để thăm hỏi, lồng ghép việc tuyên truyền di dời, phân tích từng việc lớn bé cho bà con hiểu rõ.
Ông Vị cho biết thêm: “Sau khi di dời lên khu tái định cư Ba Đồng vào cuối 2014, tôi lại được bà con tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn. Trước đây, bà con thôn Đông Yên sống chủ yếu vào nghề đánh bắt, hậu cần nghề cá, chính vì vậy, vấn đề đảm bảo cho bà con ổn định nơi ở mới cũng như tái lập sinh kế lại mở ra một “bài toán” cho chính quyền địa phương và ban cán sự thôn khi đó”.
Hiện toàn tổ dân phố Ba Đồng có hơn 500 hộ có tàu đi biển công suất từ 22-400 CV, trong đó thuyền đánh bắt xa bờ từ 240-400 CV là 30 chiếc (Trong ảnh: Âu thuyền Ba Đồng, thuộc tổ dân phố Ba Đồng, xã Kỳ Phương)
Để giúp người dân vẫn bám biển, ông Vị đã tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương hỗ trợ sinh kế cho các ngư dân có ý định đóng các tàu công suất lớn và đào tạo, chuyển đổi việc làm cho thanh niên trong độ tuổi lao động nếu có nhu cầu.
Hiện toàn tổ dân phố Ba Đồng có hơn 500 hộ có tàu đi biển công suất từ 22-400 CV, trong đó bắt xa bờ từ 240-400 CV là 30 chiếc. Sau khi chuyển lên khu tái định cư mới, hàng trăm hộ dân của thôn Đông Yên 1 đều đã ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Trưởng thôn Mai Xuân Vị luôn là cầu nối đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con giáo dân
Chia sẻ về cách làm của mình, ông Vị bộc bạch: “Công việc tập thể không cần “đao to búa lớn”, điều cốt yếu ở người cán bộ là sự tận tâm, gương mẫu và đặc biệt “nói phải đi đôi với làm”. Đối với các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, khi có vụ việc phát sinh, cần tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng kịp thời đối thoại, giải thích vận động, tuyên truyền cho bà con một cách thấu tình, đạt lý...”.
Ông Bùi Đức Trình, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi cho biết: “Trưởng thôn Mai Xuân Vị là người thẳng thắn, đầy trách nhiệm. Ông luôn là cầu nối để đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần với bà con giáo dân; đoàn kết lương - giáo, giúp bà con giáo dân “sống kính chúa, yêu nước” “sống phúc âm trong lòng dân tộc”. |