Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trong cuộc gặp với người đồng cấp Malta Ian Borg ngày 16/12, cho biết chiến sự Ukraine gây ra nhiều vấn đề cho hai nước, trong đó có cuộc khủng hoảng năng lượng và lệnh cấm dầu Nga vận chuyển bằng đường biển do Liên minh châu Âu áp đặt.
“Malta và Hungary nhất trí rằng hòa bình cần được thiết lập ở Ukraine càng sớm càng tốt, do đó hai nước sẽ không gửi vũ khí đến Ukraine”, ông Szijjarto nói.
Theo Ngoại trưởng Hungary, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không giúp mang lại một thỏa thuận có thể giải quyết xung đột ở nước này, trong khi các bên cần “đạt được một lệnh ngừng bắn”.
Ông Szijjarto cho biết Budapest đã tìm cách bảo vệ các khu vực đông người gốc Hungary sinh sống tại tỉnh Zakarpattia ở đông nam Ukraine, do khu vực này có thể bị Nga tấn công nếu vũ khí được trung chuyển qua đây.
Szijjarto cũng tuyên bố Hungary và Malta phản đối EU từ bỏ cơ chế đồng thuận để chuyển sang bỏ phiếu theo đa số.
“Điều quan trọng là cả Malta và EU đều tin rằng EU là một khối các quốc gia có chủ quyền”, ông nhấn mạnh. “Brussels nên tôn trọng tiếng nói của tất cả các quốc gia thành viên, bất kể quy mô của họ”.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (trái) bắt tay người đồng cấp Ian Borg trong cuộc gặp tại Valletta, thủ đô Malta, ngày 16/12. Ảnh: TalkMT.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Budapest đã phản đối chuyển giao vũ khí cho Kiev, huấn luyện binh sĩ Ukraine ở EU và ngừng trung chuyển dầu Nga cho châu Âu. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng không ủng hộ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, khiến quan hệ Kiev - Budapest trở nên căng thẳng.
Trong cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế và tài chính Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ ngày 6/12, Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga tuyên bố Budapest sẽ hỗ trợ song phương cho Kiev, nhưng phản đối gói vay ưu đãi 18,93 tỷ USD cho Ukraine thông qua khoản vay chung của EU.
Sự phản đối của Hungary khiến EU không thể nhanh chóng giải nhân khoản hỗ trợ mà Ukraine đang rất cần, do khối này hoạt động theo cơ chế đồng thuận. Thực tế này đã khiến một số chuyên gia và quan chức thúc giục EU từ bỏ cơ chế đồng thuận, chuyển sang bỏ phiếu theo đa số nhằm tránh những cản trở từ Budapest với các quyết sách quan trọng của khối.
Thủ tướng Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU. Ông nhiều lần tuyên bố liên minh tự hủy hoại chính mình vì áp lệnh trừng phạt với Moskva, hay cảnh báo các biện pháp này có nguy cơ tàn phá nền kinh tế châu Âu.