Hương Khê: Hơn 10 nghìn hộ dân đang thiếu nước sạch sinh hoạt

(Baohatinh.vn) - Nhiều người dân ở Hương Khê đang phải sử dụng nước giếng nhiễm bẩn để sinh hoạt nên các vật dụng như xoong, bát, cốc, chén…đều bị đổi màu. Thậm chí, khăn lau mặt, quần áo đều hoen ố vì nước bẩn. Nước đục vàng, đóng váng không thể lọc, dân cũng phải dùng để sinh hoạt, ăn uống hàng ngày…

>> Ở nơi... nước quý hơn sâm!

Sau những đợt mưa lũ vừa qua, nhiều xã ở huyện miền núi Hương Khê đang đối mặt với tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, thiếu nước sạch sinh hoạt, nhiều công trình cấp nước ngưng vận hành, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng dân cư nông thôn…

Sau lũ, gia đình chị Trần Thị Hiến (xã Lộc Yên, Hương Khê) không có nước sạch sinh hoạt, hai mẹ con phải ra sông Ngàn Sâu xách nước về dùng.

Điểm trường Mầm non Bản Giàng không có nước sạch, giáo viên phải đi xuống tận hộ dân xin nước về sinh hoạt

Theo thống kê, trong 2 đợt lũ vừa qua, Hương Khê có 18/22 xã, thị trấn bị cô lập trong lũ, gây thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân khoảng 450 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống công trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường bị hư hỏng, nhiễm bẩn nghiêm trọng. Có 10.382 giếng nước, 12.964 công trình vệ sinh bị ngập chìm trong lũ, nhiễm bẩn. Hiện, hơn 10 nghìn hộ dân các xã Phương Mỹ, Hà Linh, Lộc Yên, Hương Đô, Phương Điền… vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt.

Mặc dù ngành y tế đã cấp hóa chất xử lý và cử cán bộ xuống tận cơ sở phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, phun hóa chất phòng chống dịch…Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nước và vệ sinh môi trường đã được xử lý nhưng chất lượng nguồn nước vẫn chưa đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Đó chính là điều mà chính quyền các địa phương và hàng nghìn người dân vùng lũ đang hết sức trăn trở.

Giếng nước sinh hoạt của gia đình ông Trần Quang Lĩnh, xóm Hưng Bình, Lộc Yên, Hương Khê bị ngập trong lũ bị khiến nguồn nước nhiễm bẩn, đục vàng.

“Chúng tôi phải sử dụng nước giếng nhiễm bẩn để sinh hoạt nên các vật dụng như xoong, bát, cốc, chén…đều bị đổi màu. Thậm chí, khăn lau mặt, quần áo đều hoen ố vì nước bẩn. Nhiều lúc nước đục vàng, đóng váng không thể lọc cũng phải dùng để sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.” – một người dân ở xã Lộc Yên cho biết.

Không chỉ giếng nước hộ gia đình bị nhiễm bẩn, một số công trình nước sạch tập trung tại các xã Gia Phố, Hương Trạch và Hương Liên cũng đã bị hư hỏng. Máy móc, thiết bị xuống cấp, nhiều đoạn đường ống vỡ trôi cần sớm được nâng cấp, sửa chữa và xây mới để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân.

Nhà máy nước sạch ở xã Gia Phố, Hương Khê ngưng hoạt động sau lũ, một số hạng mục bị xuống cấp.

Ông Nguyễn Hồng Quân – Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ cho biết: “Sau lũ rút, điều lo lắng nhất là nguồn nước sạch cho người dân, vì đa số là dùng nước giếng lại bị ngập lũ nặng, rất ô nhiễm. Chúng tôi cũng đã tính toán, để có hệ thống xử lý vệ sinh môi trường công cộng phục vụ nhân dân tại vùng trọng điểm cần phải đầu tư rất lớn, trong lúc nguồn kinh phí của xã rất eo hẹp, cực kỳ khó khăn…”

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Công Lý – Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Đảm bảo cho người dân được sử dụng nguồn nước sạch ổn định đang là trăn trở của cấp ủy, chính quyền. Trong điều kiện ngân sách địa phương rất khó khăn, rất cần nguồn đầu tư của nhà tài trợ hoặc xã hội hóa xây dựng hệ thống cấp nước sạch, đảm bảo sức khỏe cho người dân.”

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói