Nhiều năm nay, người dân thôn 1, xã Hương Liên phải lấy nước từ dưới chân cầu Rào Tre bắc qua sông Ngàn Sâu về sinh hoạt.
Chúng tôi về thôn 1 vào một sáng giữa tháng 6. Mới sáng sớm mà đoàn người với những quang gánh, xe đạp, xe kéo chất đầy thùng, can nhựa rồng rắn kéo ra sông Ngàn Sâu. “Họ đi lấy nước sông về dùng đấy. Cứ như dân công hỏa tuyến thời kháng chiến ấy” - Quyền - người bản địa nói đùa mà ánh mắt buồn vời vợi.
Vừa gánh nước từ chân cầu Rào Tre về, chị Nguyễn Thị Thạo (33 tuổi) cho biết, nhiều năm nay, gia đình chị phải “chạy” nước từng bữa. Để lấy được nước chưa bị người hoặc trâu bò làm vẩn đục, đưa về nhà sinh hoạt, ngày nào chị Thạo cũng phải thức dậy từ sáng sớm để đi gánh. “Cảnh “chạy” nước diễn ra quanh năm chú ạ. Khổ nhất là vào mùa khô. Vì thế, ở đây, nước sạch được chúng tôi ví như… sâm” - chị Thạo chia sẻ.
Giếng nước của gia đình bà Nguyễn Thị Hiến nhiều năm nay không có nước để dùng, xuống cấp nghiêm trọng.
Dẫu không sạch nhưng sông Ngàn Sâu là nguồn nước sinh hoạt duy nhất của phần lớn các hộ dân nơi đây. Thôn 1 có 135 hộ với 481 nhân khẩu thì khoảng 80% hộ quanh năm thiếu nước sinh hoạt. Hơn chục hộ có giếng khoan sử dụng được nhưng rất ít nước, phải chắt chiu từng giọt và không đảm bảo vệ sinh do thường phải khoan ở bờ suối, xa nhà. Mà để có được nước giếng sinh hoạt ở vùng đất này là hết sức gian nan, đòi hỏi phải chịu khó đầu tư, kiên trì và… một chút may mắn. Nhiều hộ thuê thợ đào, khoan giếng khắp vườn nhưng “bói cũng không ra nước”, hay chỉ dùng được một thời gian ngắn lại mất.
Giếng nước của gia đình anh Trần Ngọc Thiệm bắt đầu cạn kiệt
Trước cảnh thiếu nước quanh năm, năm 2010, ông Trần Ngọc Thiệm quyết định đào thêm giếng khơi để dùng. Điều kỳ diệu xảy ra, chỉ mới sâu khoảng 15m thì nước dâng đầy. Tuy nhiên, niềm vui chỉ được khoảng 2 năm, đến năm 2013, giếng bỗng dưng trơ đáy. Không chịu khuất phục, gia đình ông quyết định thuê thợ khoan giếng dò tìm mạch nước. Liên tiếp 2 mũi khoan sâu chừng 40m âm thầm đi vào lòng đất, không phản hồi, không tia nước nào theo lên. Không nản chí, ông Thiệm tiếp tục di dời nhiều điểm khoan khác. Tìm được vị trí cách nhà khá xa, giếng có nước nhưng chỉ ở mức chết và nguy cơ cạn kiệt nhãn tiền.
Không được như ông Thiệm, ông Kham (cách đó không xa) cũng đã kiên trì thuê thợ đào 4 cái giếng quanh vườn với chiều sâu từ 25m trở lên nhưng tất cả đều không có nước. Tương tự, nhiều hộ dân khác cũng cố công thuê thợ về khoan giếng, chi phí hàng chục triệu đồng nhưng “không lại bằng không”. Lý giải cho hiện tượng khô nước này, nhiều người cho rằng: địa hình thôn 1 rất cao, nhô lên như cái lưng của một con rùa khổng lồ nên nguồn nước ngầm ở đây bị tụt sâu. Thế nên, điệp khúc sáng sáng gồng gánh ra sông lấy nước diễn ra quanh năm trên mảnh đất khô hạn này.
Những can nước được người dân chở từ sông Ngàn Sâu về...
Không chủ động được nguồn nước sinh hoạt, những giếng sâu, bồn, lu chứa nước của người dân thôn 1 luôn trong tình trạng trơ đáy, hoen bẩn, xỉn màu. Mọi nhu cầu tối thiểu về nước cho tắm, rửa, sinh hoạt đều được hạn chế đến mức thấp nhất. “Tất cả nước chứa được trong nhà chỉ để ưu tiên cho ăn, uống. Còn lại… ra sông. Chính vì thế, sông Ngàn Sâu đoạn này ngày càng thêm bẩn” – Quyền tâm tư.
Cũng vì nguồn nước bẩn lại phải sử dụng tằn tiện vì khan hiếm nên theo thống kê của Trạm Y tế xã Hương Liên, số người dân thôn 1 bị các chứng bệnh ngoài da như gẻ, lở, mụt nhọt và bệnh về đường ruột, tiêu chảy chiếm tỷ lệ khá cao. Những ngày mưa, nước sạch là “của trời ban”, bà con thôn 1 thỏa thích tận hưởng. Tuy nhiên, “lộc của trời” được tích trữ rất ít vì với người dân vùng sâu khó khăn này, việc đầu tư vật dụng chứa nước lớn là hết sức khó khăn.
.. và chắt chiu từng giọt nước để ăn uống, sinh hoạt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Sánh – Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: xã Hương Liên có 5 xóm và 1 bản dân tộc với 2.474 nhân khẩu. Tình trạng thiếu nước sạch xảy ra trên địa bàn toàn xã, nặng nhất là xóm 1 với khoảng 80% hộ dân không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Nhiều lần, chính quyền và người dân Hương Liên phản ánh, “kêu cứu” lên các cấp, ngành nhưng đến thời điểm này, chưa có một giải pháp tích cực nào được triển khai.
Dự án đầu tư xây dựng một nhà máy nước là ước nguyện to lớn, lâu dài. Trước mắt, người dân xóm 1, xã Hương Liên cầu mong có nguồn hỗ trợ làm các lu chứa nước loại lớn để tích trữ nước mưa. Có vẻ như, niềm mong này không quá lớn. Chỉ mong các cấp, ngành, các tổ chức, nhà tài trợ quan tâm, thấu hiểu và có giải pháp hữu ích giúp đỡ để mỗi mùa khô hạn về, bà con nơi đây không còn tình trạng “khát nước” .