Cửa hàng nông sản an toàn Hương Sơn thu hút người tiêu dùng đến xem và mua hàng.
Thực tế tồn tại lâu nay tại huyện Hương Sơn nói riêng cũng như trên địa bàn tỉnh nói chung là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ yếu thông qua mạng lưới chợ truyền thống hoặc dựa vào thương lái.
Những hình thức này giúp người dân bán được hàng hóa, tuy nhiên không mang tính ổn định. Hơn nữa, hàng hóa của người nông dân phải qua nhiều khâu trung gian nên giá cả có sự chênh lệch lớn giữa người cung cấp và người tiêu dùng. Chưa kể, thị trường tiêu thụ chật hẹp, mang tính nội bộ địa phương.
Cửa hàng nông sản an toàn Hương Sơn được thành lập tại vị trí trung tâm huyện kinh tế của huyện (tổ dân phố 7, thị trấn Phố Châu) được coi là giải pháp cấp bách để khắc phục những hạn chế nói trên.
Hiện tại, cửa hàng có hơn 100 mặt hàng nông sản an toàn sản xuất tại Hà Tĩnh. Trong đó, có một số sản phẩm tiêu biểu của huyện Hương Sơn như: Nem chua (Ý Bình), nhung hươu, thanh long ruột đỏ, đậu, vừng, khoai mài, cu đơ, cam…
Hiện tại, cửa hàng có khoảng hơn 100 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 30% là sản phẩm có xuất xứ tại Hương Sơn.
Với vị trí “đắc địa” nằm ở trung tâm huyện nên cửa hàng thời gian qua đã thu hút khá lớn người tiêu dùng đến xem, lựa chọn và mua hàng.
Bà Lê Thị Bình - chủ cửa hàng chia sẻ, qua gần 2 tháng khai trương, doanh thu cửa hàng đạt trung bình khoảng 60 triệu đồng/tháng, dù còn khá ít, song có thể thấy, qua đây, một số lượng lớn nông sản của người nông dân đã đến tay người tiêu dùng.
Tuy vậy, hiện nay, sản phẩm của huyện mới chỉ chiếm khoảng 30% lượng hàng hóa được giới thiệu, bày bán. Nguyên nhân là do yêu cầu khắt khe của chúng tôi trong việc tuyển chọn nông sản.
Sản phẩm được giới thiệu tại cửa hàng phải là những nông sản sạch, có chứng nhận an toàn của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, Hương Sơn có sản phẩm nông nghiệp phong phú, mang tính đặc trưng và chất lượng tốt nhưng bà con đang sản xuất theo hướng tự phát.
"Chúng tôi đang phối hợp để hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục về chứng nhận ATVSTP, làm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cũng như kỹ thuật canh tác khoa học, đáp ứng các quy trình sản xuất VietGap, theo hướng hữu cơ… nhằm nâng cao tỷ lệ hàng hóa “made in Hương Sơn” tại cửa hàng", bà Bình chia sẻ thêm.
Cửa hàng còn thiết thực góp phần thực hiện đề án mỗi xã phường một sản phẩm của tỉnh bởi các sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên tiêu thụ tại đây.
Ông Phan Văn Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn cho hay, việc xây dựng cửa hàng kỳ vọng sẽ khuyến khích các đơn vị sản xuất nông sản tại địa phương thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất quy mô lớn và an toàn. Đặc biệt, cửa hàng còn thiết thực góp phần thực hiện đề án mỗi xã phường một sản phẩm của tỉnh bởi các sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên tiêu thụ tại đây. Về phía hội, chúng tôi có trách nhiệm giới thiệu, quảng bá sản phẩm vừa khâu nối, vận động hội viên sản xuất sản phẩm an toàn để đưa vào cửa hàng cũng như giới thiệu các đoàn tham quan, du lịch đến tham quan, mua hàng tại đây.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân (Hội Nông dân tỉnh) Nguyễn Tiến Anh cho biết, thời gian qua, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của hội viên nông dân luôn được các cấp hội quan tâm. Trong đó, các cửa hàng nông sản như ở Hương Sơn sẽ trở thành đầu mối quan trọng, giúp liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, và cũng là địa chỉ cung ứng thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng và tham mưu đề án “Xây dựng chuỗi Cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.
Trước mắt, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng các cửa hàng nông sản an toàn thí điểm tại các huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và Hương Sơn trong năm 2019. Về lâu dài, sẽ thành lập cửa hàng cấp huyện tại tất cả địa phương toàn tỉnh. Các cửa hàng sẽ liên kết với cửa hàng của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh thành chuỗi để hoạt động thống nhất và hiệu quả; phối hợp với các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong nông thôn mới, du lịch biển để giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của bà con nông dân.