I Just Called To Say I Love You có nhiều nét tương đồng với bài ca năm mới Happy New Year của nhóm ABBA, có nghĩa cũng đề cập đến câu chuyện năm mới nhưng cảm giác mùa Xuân chỉ là dư vị lắng lại. Nếu Happy New Year nói về cảm giác đọng lại sau một bữa tiệc tàn thì I Just Called to Say I Love You lại nói về một cảm giác yêu đương chân thành.
“Mù” mà vẫn sáng
Đầu năm 1984, dự án điện ảnh The Woman In Red của hãng phim Orion là bộ phim quan trọng của đạo diễn Gene Wilder, người đang kỳ vọng phim này sẽ là một bom tấn mùa Hè với câu chuyện tình hài vui vẻ của một gã đàn ông đã có gia đình bị một người đàn bà trong chiếc váy đỏ mê hoặc.
Kịch bản đã được thông qua nhưng một phần quan trọng khác, nhạc phim, vẫn chưa tìm được ai vừa ý. Nhà sản xuất đã liên hệ với nhiều tên tuổi nhạc phim nổi tiếng như David Foster, Jay Graydon và cũng đã nhận được những bản demo gửi tới nhưng dường như chưa ai động đến được cảm xúc trong bộ phim này.
Stevie Wonder cùng Nelson Mandela
Ca sĩ Dionne Warwick lúc ấy cũng đang cộng tác với bộ phim, khi biết chuyện đã đề cử với nhà sản xuất một cái tên khá lừng lẫy - Stevie Wonder.
Tên tuổi của Wonder thì khỏi phải bàn bởi ông đã có trong tay 15 giải Grammy, hàng tá bài hit và gây nhiều ảnh hưởng tới những thế hệ sáng tác mới. Nhà sản xuất của hãng Orion hoàn toàn tin vào tài năng của Wonder, chỉ một điều duy nhất mà họ thật sự lấn cấn, Stevie Wonder bị mù. Điều ấy thì không đáng kể trong âm nhạc nhưng ông không xem thấy bộ phim thì làm sao có thể sáng tác đúng mạch cho phim?
Ca sĩ Dionne Warwick liền trấn an: “Thế giới người mù rất đặc biệt và nếu các anh tin rằng một người mù có thể làm nên bất cứ chuyện gì thì đó phải là Stevie Wonder. Anh ấy mù nhưng vẫn có thể nhìn thấy bộ phim theo cách của mình và điều đó sẽ khiến cho âm nhạc của bộ phim này trở nên đặc biệt”.
Ngay sau đó, đạo diễn Gene Wilder mời Wonder tham gia dự án phim và Stevie Wonder gật đầu dù ông chưa bao giờ làm điều này.
Cái gật đầu ấy, như sau này nhiều nhà phê bình nhận xét, đã đưa bộ phim The Woman In Red trở thành bộ phim được yêu thích nhất mùa Hè bởi âm nhạc của Stevie Wonder đã nói thay lời hết cả nội dung bộ phim và đưa nó trở thành một bản tình ca ngây ngất.
Trong số đó, I Just Called To Say I Love You được xem là phần quan trọng nhất trong dự án nhạc phim này. Bài hát không chỉ đưa bộ phim gây sốt phòng vé mà còn đưa Stevie Wonder lên một nấc cao mới trong sự nghiệp.
Single “I Just Called To Say I Love You” của Stevie Wonder
Anh muốn ngỏ lời yêu em
I Just Called To Say I Love You là một sáng tác hoàn toàn khác với phong cách của Stevie Wonder trước đây. Đây là một sáng tác mang hơi hướng pop ballad trong khi sở trường của Wonder lại nghiêng về R&B.
Nhưng như ông chia sẻ rằng sau khi hiểu rõ kịch bản nội dung phim thì ông quyết định gắn sáng tác này với phong cách pop để mở rộng thị phần người nghe.
I Just Called To Say I Love You vốn không phải là sáng tác mới tinh. Giai điệu bài hát đã được Stevie Wonder sáng tác từ năm 1978 nhưng không triển khai thêm vì nó không giống như dòng nhạc mà ông đang đeo đuổi lúc đó. Phải đến khi nhà sản xuất bộ phim mời ông tham gia hợp tác thì Wonder quyết định lấy lại giai điệu cũ và lắp thêm phần lời mới cho đúng mạch nội dung phim.
Thật ra, Wonder cũng không theo sát chủ đề bộ phim bởi những thứ mà ông tưởng tượng trong ca từ, lại còn lấp lánh hơn nhiều so với chuyện tình trong phim.
Bị vu oan “đạo nhạc” Sự thành công quá lớn của ca khúc I Just Called To Say I Love You cũng kéo theo hệ lụy khi Steview Wonder vướng vào một vụ kiện đạo nhạc, bởi nhạc sĩ Lee Garrett và Lloyd Chiate tuyên bố bài hát này họ đã sáng tác từ trước năm 1984 và giờ bị Wonder ăn cắp. Cuối cùng, tòa án Los Angeles sau khi lắng nghe các bên đã phân xử phần thắng thuộc về Stevie Wonder bởi không có bằng chứng nào cho thấy Wonder đã “thuổng” bài hát của người khác. |
Một trong những lý do mà nhà sản xuất bộ phim The Woman In Red chịu ngay lập tức khi nghe bài hát I Just Called To Say I Love You và quyết định đưa nó trở thành bài hát chủ đề của phim là bởi Stevie Wonder miêu tả cái “cao” hơn của câu chuyện, không cần bám sát nội dung nhưng lột tả được những cảm xúc mong manh trong bộ phim này.
Ở đó, Wonder đưa gần hết những mùa lễ trong năm vào bộ phim chỉ để với mục đích phủ nhận những cột mốc nhằm tôn vinh tình yêu.
Wonder viết rằng: “Chẳng cần cái nóng mùa Hạ, chẳng cần hơi ấm tháng 7, cũng chẳng cần tháng 8 dịu dàng hay mùa Thu lá rụng, cũng chẳng cần những cánh chim báo mùa bay về tổ ấm, cũng chẳng cần chocolate cho ngày tình nhân hay bữa tiệc năm mới với những viên kẹo hình trái tim…”, mà điều Wonder muốn lột tả rằng: “Anh chỉ muốn gọi và nói lời yêu em, rằng anh đã nghĩ tới em thật nhiều, từ tận đáy lòng anh”.
Ngày 1/8/1984, khi bộ phim ra mắt và cũng là lúc single này trình làng, bài hát đã thắng gần như tuyệt đối trên các bảng xếp hạng. Ở Mỹ nó đứng 8 tuần ở vị trí quán quân. Còn ở Anh, lần đầu tiên trong sự nghiệp Stevie Wonder đứng ở vị trí đầu bảng suốt 6 tuần lễ, và nó cũng giúp hãng đĩa Motown lần đầu tiên có doanh số kỷ lục ở thị trường Anh.
Không những vậy, bài hát còn đoạt giải Ca khúc trong phim hay nhất tại giải Quả cầu vàng và Oscar vào năm 1985.
Cho đến nay, I Just Called To Say I Love You vẫn là bài tình ca được nhiều thế hệ yêu mến cho dù bộ phim The Woman In Red gần như chẳng còn ai nhớ đến.
Cùng nghe lại ca khúc "I Just Called To Say I Love You":
Giải thưởng Oscar tặng lại cho Nelson Mandela Năm 1985, khi lên nhận giải Oscar - Bài hát trong phim hay nhất cho I Just Called To Say I Love You, Stevie Wonder lúc đó đã dành tặng giải thưởng này cho Nelson Mandela, lãnh tụ của phong trào Apartheid, người đang ở trong tù vì những hoạt động đấu tranh màu da không mệt mỏi. Phản ứng lại điều này, chính quyền Nam Phi lúc đó đã cấm tất cả các đài phát thanh, truyền hình phát ca khúc này và thậm chí các cửa hàng băng đĩa cũng không được bán I Just Called To Say I Love You. Đáp lại, Stevie Wonder nói rằng “Nếu việc cấm âm nhạc của tôi mà mang lại tự do cho người dân nơi ấy thì xin hãy cấm tôi thật nhiều”. |