Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm lên một tầm cao mới

(Baohatinh.vn) - Lễ vinh danh dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra ngày 31/1/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An). Nhân dịp này, PV Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện xung quanh việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm lên một tầm cao mới ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện trả lời phỏng vấn Báo Hà Tĩnh

- Việc UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao với đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo ông, Hà Tĩnh cần làm gì để di sản trường tồn với thời gian, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Ngày 27/11/2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ví, Giặm là tài sản tinh thần to lớn của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh và của dân tộc Việt Nam cũng như nhân loại. Chính vì vậy, trách nhiệm bảo vệ, phát huy Di sản là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, của đất nước, nhưng trực tiếp và cụ thể vẫn là của đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh xác định rõ trách nhiệm của mình là dồn sức thực hiện tốt nhất việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm.

Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức một cách sâu sắc các giá trị của di sản Ví, Giặm; qua đó, khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mọi người tham gia bảo vệ và phát huy di sản bằng những việc làm thiết thực. Tăng cường công tác quảng bá để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về dân ca Ví, Giặm, về truyền thống cách mạng, nét văn hóa cũng như bản sắc của mảnh đất và con người Nghệ - Tĩnh. Việc tuyên truyền phải được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, trên tất cả các phương tiện, qua nhiều kênh, nhiều tuyến, cả trực tiếp và gián tiếp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Bảo vệ, phát huy Di sản là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, của đất nước, nhưng trực tiếp và cụ thể vẫn là của đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh xác định rõ trách nhiệm của mình là dồn sức thực hiện tốt nhất việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Bảo vệ, phát huy Di sản là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, của đất nước, nhưng trực tiếp và cụ thể vẫn là của đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh xác định rõ trách nhiệm của mình là dồn sức thực hiện tốt nhất việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm.

Thứ hai, phối hợp với tỉnh Nghệ An và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các cơ quan chuyên môn của Bộ VH-TT&DL tích cực chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện trong thời gian sớm nhất đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ví, Giặm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời, chủ động triển khai ngay những hoạt động cần thiết.

Thứ ba là tiếp tục sưu tầm nghiên cứu các làn điệu Ví, Giặm còn được lưu giữ trong các tầng lớp nhân dân, các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, để từ đó bổ sung, làm giàu thêm kho tàng dân ca Ví, Giặm; tiếp tục hình thành các không gian diễn xướng cộng đồng, tổ chức liên hoan dân ca Ví, Giặm từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và chung 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh theo định kỳ đã thống nhất.

Thứ tư, tổ chức tốt việc truyền dạy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đưa chương trình dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào giảng dạy ở tất cả các trường học trong tỉnh, đồng thời tổ chức tốt việc truyền dạy Ví, Giặm trên sóng PT-TH tỉnh.

Thứ năm là tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách để duy trì tốt 40 câu lạc bộ đã có; phát triển, mở rộng các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; chính sách đối với nghệ nhân dân gian và những người có nhiều công lao trong việc giữ gìn, phát huy di sản. Tiếp tục đầu tư kinh phí, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản.

Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm lên một tầm cao mới ảnh 3

- Xin ông cho biết, sau lễ vinh danh, nhân dịp đầu Xuân mới, Hà Tĩnh sẽ tổ chức các hoạt động gì để chuyển tải các nội dung trên đến nhân dân nhằm phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Ngay sau lễ vinh danh, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2015), mừng Xuân mới Ất Mùi, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: gặp mặt các cán bộ lão thành cách mạng; vinh danh các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người có công lớn đối với dân ca Ví, Giặm; tổ chức các cuộc tọa đàm, giao lưu, trao đổi, các chương trình nghệ thuật…

Tin tưởng rằng, với sự tham gia tích cực, đồng hành của toàn dân, của các văn nghệ sỹ; sự quan tâm đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ trường tồn cùng đất nước, góp phần phát huy truyền thống quê hương, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast