Linh khí Yên Hồ

(Baohatinh.vn) - Đức Thọ Hà tĩnh xưa có tên gọi là La Sơn, vốn nổi tiếng với những xóm làng sầm uất, phố chợ đông vui, ruộng đồng màu mỡ, phong tục thuần hậu, nhân tài hào kiệt, lừng danh. Trong bức tranh chung đó, xã Yên Hồ cũng đã góp một nét vẽ riêng độc đáo với sự linh thiêng của đất trời, sông nước, với tài năng, khí tiết của các bậc hào kiệt…

Đất linh thiêng, người khoa bảng

Về Yên Hồ một ngày tháng 5, chưa kịp đi qua cái bỏng rát của những ruộng lúa đã gặt còn trơ gốc rạ, tôi đã cảm nhận được sự yên bình, mộc mạc của làng quê khi đi qua những con ngõ xanh mát, qua hồ sen, hồ súng ngát hương. Và không hiểu từ đâu, cảm giác về một vùng đất thiêng cứ ẩn hiện trong tâm trí tôi. Chuyện xưa kể rằng, một thầy địa lí người Trung Quốc khi đi qua Yên Hồ đã nhận thấy mạch nguồn linh thiêng trong vị trí và hình dáng của vùng đất này. Người này cho rằng, Yên Hồ có thế đất điểu linh (tức là con chim linh thiêng) với hai cánh là hai làng Nội Diên và Yên Phúc, còn làng Diên Vượng là cái đầu đang uống nước sông La.

Đền thờ Nguyễn Biểu - công trình kiến trúc độc đáo tưởng nhớ công ơn người anh hùng cứu nước, một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đền thờ Nguyễn Biểu - công trình kiến trúc độc đáo tưởng nhớ công ơn người anh hùng cứu nước, một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Xưa kia, làng Yên Hồ nổi tiếng trong tổng, trong huyện với 2 biểu tượng Dăm Bút và Dăm Nghiên. Mặc dù ngày nay không còn nữa nhưng theo sử sách chép lại thì Dăm Bút dài 90m, hai đầu nhọn hình bút lông, ở giữa phình ra rộng 6m, phía trước Dăm Bút là Dăm Nghiên hình lòng chảo, mỗi khi trời mưa, nước đọng ở giữa, trông như cái nghiên mực. Đây chính là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người dân Yên Hồ, nơi học hành, thi cử đỗ đạt bậc nhất châu Hoan xưa.

Kể từ đời nhà Trần, việc học hành ở La Sơn bắt đầu khởi sắc, Yên Hồ với truyền thống học hành cũng có nhiều người đỗ đạt. Đời Trần Thánh Tông có Đào Tiêu đậu Trạng nguyên năm Ất Hợi (1275), đời Trần Phế Đế có Đoàn Xuân Lôi đậu Khôi nguyên năm Giáp Tý (1384). Tiếp đến có Nguyễn Biểu đậu Thái học sinh vào cuối thế kỷ XIV. Thời Lê - Nguyễn, Yên Hồ lại có nhiều người đậu đại khoa tiến sỹ như Nguyễn Tắc Trung, Phạm Nại, tiến sỹ Nguyễn Phong, Nguyễn Doãn Huy, Lê Đắc Toàn… Thời tân học, Yên Hồ cũng có nhiều người đi học sớm và nhiều người thành đạt, trong đó, có các giáo sư: Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Hoàng Xuân Nhị (1914-1990), Hoàng Xuân Chinh, Võ Quý, Trần Văn Bính, Trần Đức Thiệp, Trần Đức Lịch, Nguyễn Văn Đính, Hoàng Quốc Kỷ, Võ Thanh Sơn… là những trí thức tiêu biểu. Thế hệ trẻ Yên Hồ cũng tiếp nối truyền thống cha anh đi trước với những thành tích đáng nể: trên 80 giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... qua các thời kỳ.

Làm rạng danh quê hương Yên Hồ nhất trong lịch sử phải kể đến Nghĩa vương Nguyễn Biểu. Nguyễn Biểu quê ở làng Bình Hồ, đỗ Thái học sinh (tiến sỹ) thời Trần, phò vua Trần Trùng Quang chống giặc Minh, từng làm quan Điện tiền Thái Sử (Ngự sử ). Ông là người cương trực, gặp việc không ngại can gián. Trong tình thế đất nước nguy cấp, vì việc nước, ông lĩnh mệnh vua đi sứ sang đại bản doanh của quân Minh do Trương Phụ chỉ huy để thực hiện kế cầu phong. Biết vào nơi hang hùm, nọc rắn, đi dễ khó về, nhưng ông không từ nan.

Để uy hiếp ông, Tướng Trương Phụ bày “bữa tiệc đầu người” nhưng ông không hề run sợ mà bình tĩnh ngồi vào bàn móc đôi mắt ăn. Thu phục không được, chúng bèn ra tay sát hại ông. Sau khi ông mất, nhà sư chùa Yên Quốc có làm bài cầu siêu, vua Trần Trùng Quang làm bài văn dụ để tỏ lòng thương tiếc người sứ thần anh dũng không làm nhục quân mệnh và biết làm rạng danh quốc thể. Nhân dân lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần. Vua Lê Thái Tổ sau khi chiến thắng quân Minh đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên, phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy linh Trợ thuận đại vương (tức Nghĩa sỹ Đại Vương). Năm 2001, đền được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2011, được đầu tư 7,5 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục, công trình. Đến nay, đền thờ Nguyễn Biểu là một công trình kiến trúc độc đáo của xã Yên Hồ và cứ đến ngày 1/7 âm lịch hàng năm, chính quyền, ngành văn hóa, dòng tộc và nhân dân làm lễ tưởng niệm, rước kiệu.

Sắc mới Yên Hồ

Đi dọc đường thôn, ngõ xóm với sự khang trang, thoáng đãng hôm nay, tôi càng thấm câu ca: Đất Yên Hồ cảnh thú vui thay/Vốn xưa thiên địa đắp xây vun trồng. Sự phân cắt về địa lý đã vô tình ưu ái cho người dân nơi đây khi thôn xóm, ruộng đồng được ôm ấp, vỗ về bởi con sông La trong xanh nối với sông Minh thơ mộng. Đất đai do phù sa hai con sông này bồi đắp nên nông nghiệp Yên Hồ ngày càng phát triển, xóm làng trù phú, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Yên Hồ xưa còn là làng rèn lâu đời, nổi tiếng với nghề dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm. Từ nghề truyền thống ấy mà con gái Yên Hồ đươc ca tụng về sự đoan trang, chung thủy, xinh đẹp:

Muốn ăn xôi nếp đỗ chà

Muốn xem gái đẹp thì ra Yên Hồ.

hoặc Trai Đông Thái, gái Yên Hồ.

Trong thời kỳ mới, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Yên Hồ đã từng bước thoát khỏi những khó khăn của một xã thuần nông. Những năm qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Yên Hồ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Người dân Yên Hồ ra quân làm đường giao thông nông thôn

Người dân Yên Hồ ra quân làm đường giao thông nông thôn

Ông Trần Hải - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết:“Trước đây, việc xây dựng kinh tế ở Yên Hồ còn khiêm tốn, người dân chưa mạnh dạn khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã mạnh dạn quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi quy mô lớn, tiếp tục cải tạo, đầu tư phát triển loại hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, sản xuất hàng hóa gắn với sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, hình thành các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, xây dựng mô hình liên doanh, liên kết quy mô lớn, vừa và nhỏ. Đến nay, 30-35% hộ xây dựng được các mô hình sản xuất. Từ đó, chúng tôi từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng và củng cố 4 HTX, 9 tổ hợp tác và 2 mô hình sản xuất”.

Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Yên Hồ đã xuất sắc hoàn thành các tiêu chí, cán đích nông thôn mới trong năm 2014. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân Yên Hồ cũng coi trọng xây dựng thiết chế văn hóa. Hiện nay, 6/6 thôn xóm đã có nhà văn hóa phục vụ hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trải qua bao thời kỳ lịch sử, truyền thống hiếu học của quê hương Yên Hồ vẫn được các thế hệ cháu con giữ vững, phát huy. Hàng năm, Yên Hồ có khoảng 40 học sinh đỗ đại học, cao đẳng, nhiều người là thạc sỹ, tiến sỹ trên nhiều lĩnh vực. Quỹ khuyến học xã cũng nhận được sự hỗ trợ của đông đảo con em xa quê, trong đó, Giáo sư Võ Quý là một trong những người hướng về quê hương bằng nhiều sự đóng góp với Quỹ Giải thưởng Võ Viết Hiền. Quỹ khuyến học xã và các dòng họ đã động viên, khuyến khích con em học tập, xây dựng quê hương, đất nước.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast