Kinh tế

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá
Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Việc gia tăng nhanh đội tàu nhưng chủ yếu chỉ tập trung khai thác ven bờ, vấn nạn tàu giã cào với phương thức đánh bắt mang tính hủy diệt được xác định là những nguyên nhân chính làm nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh...

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Toàn tỉnh hiện có trên 3.300 tàu cá, trong đó chỉ có 116 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi; 577 tàu cá có chiều dài từ 12 đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng; 2.678 tàu cá có chiều dài từ 6 đến dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ. Con số hơn 70% tàu thuyền đánh bắt ven bờ cho thấy một thực tế, ngư dân vẫn ngại đầu tư, quẩn quanh trong lộng, chủ yếu dựa vào thiên nhiên kiểu “được chăng hay chớ”.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Hà Tĩnh hiện có hơn 70% tàu thuyền đánh bắt ven bờ.

Hơn 40 năm bám biển, bữa được, bữa mất, bữa đi, bữa bỏ, ngư dân Trương Ngọc Khiêm (thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) vẫn đồng hành với chiếc thuyền 20 CV dài 6m của gia đình. “Mỗi ngày tôi chỉ đi biển vài tiếng thôi, từ sáng sớm đến gần trưa kiếm vài cân tôm, cân mực rồi đem bán luôn tại bờ. Cả làng này bao đời nay vẫn thế! Không có lao động lành nghề, không có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ, không hiểu biết gì về máy móc, ngư trường… nên chẳng ai dám bứt ra làm lớn cả” - ông Khiêm cho biết.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Ngư dân TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh chủ yếu là tàu có chiều dài từ 6 – 8m với công suất 20 – 30 CV đánh cách bờ từ 1 – 4 hải lý.

Ông Hồ Lương Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho hay: “Ngư dân địa phương vẫn ít quan tâm, đầu tư cho đánh bắt hải sản. Bà con chỉ duy trì nghề để đủ trang trải chi phí hằng ngày. Vì vậy, trong 120 thuyền đánh cá của xã chỉ có 1 thuyền chiều dài 9m, còn lại là 6-7m. Thuyền nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm sau khai thác mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trước thiên tai, nhất là mùa biển động”.

Những năm qua, nhiều chính sách của tỉnh, huyện đã tạo động lực to lớn, tạo nguồn vốn hỗ trợ để ngư dân đóng mới, sửa chữa, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại, phù hợp các phương thức vươn khơi đánh bắt. Tuy nhiên, ngư dân nhiều vùng vẫn không mấy mặn mà mà luôn mang trong mình tư tưởng gắn chặt với nghề câu mực, bủa lưới bắt ghẹ, tôm, cá… ven bờ như bao đời nay vẫn vậy.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: “Huyện đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cải hoán, đóng mới tàu thuyền, tuy nhiên, cơ bản ngư dân “ngại” tiếp cận chính sách. Nguyên do là bởi kinh nghiệm đánh bắt xa bờ của bà con ở đây còn có những hạn chế nên khi đầu tư khó phát huy hiệu quả, dẫn đến tâm lý lo ngại, thiếu động lực. Kể cả đối với Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh năm 2014 hỗ trợ rất lớn để phát triển đánh bắt xa bờ nhưng chỉ có xã Thạch Kim là được thụ hưởng khá nhiều, ngư dân Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà… thì gần như không có. Vì thế, đến nay vẫn có trên 70% tàu thuyền của huyện có chiều dài 6-12m, tập trung khai thác ven bờ”.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Dù đã được đầu tư bài bản nhưng vì nhiều lý do, ngư dân tàu vỏ thép ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) không còn mặn mà đến việc ra khơi, các trang thiết bị hoen rỉ, hư hỏng.

Cũng đã có những ngư dân dám mạnh dạn đầu tư để vươn ra biển lớn nhưng vì nhiều lý do nên hoạt động không hiệu quả. Ngư dân Lưu Văn Truyền (xã Xuân Hội, Nghi Xuân) cho biết: “Năm 2016, tôi làm thủ tục đăng ký đóng tàu vỏ thép từ nguồn vay ưu đãi theo Nghị định 67 (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản - P.V) với ngành nghề câu khơi. Tuy nhiên, do ngư trường hạn chế, không hiểu rõ tường tận về nghề, chi phí mỗi chuyến biển rất lớn (gần cả trăm triệu đồng), lao động phải đi thuê ở tỉnh bạn… nên giờ tôi thi thoảng mới cho tàu ra khơi”. Chính hiệu ứng từ vấn đề này đã khiến nhiều ngư dân có bước “chùng”, đắn đo khi xem xét đầu tư tàu công suất lớn để đánh bắt vùng lộng, vùng khơi.

Bên cạnh vấn đề cố hữu là tâm lý dè dặt, không dám đột phá của ngư dân thì hạ tầng nghề cá cũng đang trở thành “lực cản” lớn khiến bà con ngại đầu tư vươn ra biển lớn. Ngư dân Phạm Văn Tuân (thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Vùng biển trải dài từ Kỳ Xuân, Kỳ Khang, Kỳ Phú không có cảng cá, không có âu thuyền nên tàu lớn phải vượt hàng chục hải lý ra tận cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà) để neo đậu, mua bán hải sản, vừa tốn kém thời gian, vừa giảm hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến vươn khơi. Bà con ở đây muốn làm lớn cũng chần chừ lắm vì lo bến bãi, chỗ đậu tàu”.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có hoạt động khai thác hải sản khá phát triển, số lượng tàu thuyền lớn nhưng vẫn chưa có cảng cá, mọi hoạt động đều diễn ra ở Cồn Gò (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) nên ngư dân muốn đầu tư đóng tàu lớn.

Theo ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 4 cửa biển thì hiện nay đều bị bồi lắng nghiêm trọng gồm: Cửa Sót (Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Cửa Hội (Nghi Xuân), Cửa Khẩu (TX Kỳ Anh) khiến hoạt động của ngư dân gặp nhiều khó khăn, lượng tàu cá lựa chọn cập cảng cũng giảm hẳn. Các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh đều được xây dựng đã lâu, dẫn đến tình trạng quá tải trong lưu thông. Hơn nữa, hạ tầng nghề cá vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu kiểm đếm, bốc dỡ sản phẩm khai thác ở địa phương và ngoại tỉnh.

Ngư dân Nguyễn Văn Nam (xã Thạch Long, Thạch Hà) thường xuyên cập cảng Cửa Sót để buôn bán hải sản cho biết: “Cửa biển ở đây bị cát bồi lắng mạnh, các tàu thuyền muốn vào ra đều phải xem “con nước”. Chỉ cần sơ suất là tàu thuyền sẽ bị mắc cạn, gãy chân vịt, vỡ mạn hoặc bị chìm”.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Phần lớn tàu thuyền khai thác hải sản là cỡ nhỏ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Tông Thắng đánh giá: “Việc có một tỷ lệ quá lớn các loại tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ được Trung ương, địa phương xác định là nguyên nhân đe dọa nguồn lợi thủy sản, giá trị hàng hóa thủy sản không tương xứng với sản lượng đánh bắt được, khó khăn trong phát triển nghề cá hiện đại, khó đáp ứng nhu cầu của lĩnh vực chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt, 70-80% nguồn lợi hải sản xuất phát từ ven bờ, đây cũng là nơi tập trung các bãi đẻ, hệ sinh thái đa dạng, khai thác quá mức trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ổn định của các loài.

Thêm vào đó, tàu nhỏ còn phải đối mặt với nguy cơ cao mất an toàn trên biển do trang bị thô sơ, động cơ nhỏ. Với vai trò là cấp quản lý cũng phải thừa nhận rằng, hạ tầng nghề cá đang thiếu và yếu khiến hao hụt sau khai thác lớn, hoạt động quản lý chưa phù hợp khiến mất cân đối lớn trong cơ cấu đội tàu các vùng khai thác ven bờ, vùng lộng, vùng khơi. Từ thực trạng này, Luật Thủy sản năm 2017 lần đầu tiên quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cấp cho các địa phương, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn”.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Nặng trĩu tâm tư chỉ tay về phía biển, anh Dương Văn Dưỡng (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) bức xúc: “Từ xưa đến nay, chúng tôi chỉ có những con tàu nhỏ dưới 24 CV, sử dụng vàng lưới để bắt con tôm, con mực. Thế mà, từ tháng 5/2022 đến nay, cứ độ 5h chiều đến 4h sáng hôm sau, một số tàu giã cào đến “quần” vùng biển truyền thống của ngư dân nơi đây. Tàu vào sát bờ, đánh cho đến con cá mỏ neo (tên gọi loài cá địa phương) sống dưới tầng đáy mà phải nổi lên trên mặt nước thì có con gì sống nổi. Cá to, cá nhỏ bị quét đi hết, nguồn lợi suy kiệt còn gì nữa”.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Ngư dân xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà bị thiệt hại nhiều ngư lưới cụ do tàu giã cào, nhiều người không dám ra biển khai thác vì lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng.

“Ngư dân ở đây ra biển từ khoảng 5h đến chập tối để đặt lưới. Đây đáng lẽ đang là mùa làm ăn của bà con nhưng mấy tháng nay, tàu giã cào xuất hiện nhiều nên một số ngư dân không dám mạo hiểm ra khơi. Cách đây 1 tháng, tôi bị tàu cuốn mất vàng lưới đánh ghẹ trị giá gần 10 triệu đồng mà chưa có tiền sắm lại, đành phải gác thuyền. Tiếc của nhưng còn lo cho người hơn. Tàu họ mã lực lớn, mình đến gần khéo nó kéo lưới đi và lật úp cả thuyền, nguy hiểm lắm”, ông Lê Doãn Khoa - thành viên Tổ Sản xuất ngư nghiệp ven bờ số 5 xã Thịnh Lộc lo lắng.

Ông Lê Doãn Khoa – Thành viên Tổ sản xuất ngư nghiệp ven bờ số 5 xã Thịnh Lộc (Lộc Hà).

Theo chính quyền xã Thịnh Lộc, người dân địa phương đã nhiều lần báo cáo việc bị tàu cá kéo mất lưới và ngư cụ, xâm hại vùng biển với phương pháp tận diệt nhưng xã “lực bất tòng tâm” do lực lượng mỏng, phương tiện không đáp ứng, chỉ biết thông tin lên cấp trên và lực lượng có thẩm quyền để vào cuộc xử lý.

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Tàu giã cào hoạt động sai vùng, tận diệt hết hải sản từ bé đến lớn, ảnh hưởng đến đa dạng nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Không chỉ ở Lộc Hà, vấn nạn giã cào đang là nỗi ám ảnh thường trực tại các vùng biển Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà… Thậm chí, chính một số ngư dân Hà Tĩnh cũng chọn phương thức khai thác tận diệt ngư trường trên chính vùng biển quê hương mình. Không ít tàu cá bị lực lượng chức năng bắt giữ vì khai thác biển trái phép trong 3 năm trở lại đây (2019-2022) là tàu giã cào của các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên); xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh); xã Thạch Kim (Lộc Hà)…

Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi hải sản - hướng đi tất yếu của ngư dân Hà Tĩnh (bài 2): Lực cản phát triển bền vững nghề cá

Anh Dương Văn Dưỡng (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) chỉ về phía biển nơi một số tàu giã cào đến “quần” vùng biển truyền thống của ngư dân nơi đây chỉ cách bờ hơn 1 hải lý.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng thừa nhận: “Hơn 30 tàu trong xã đăng ký khai thác vùng khơi nhưng lại cố tình đánh bắt tận diệt trên vùng biển ven bờ trong tỉnh. Thực tế này chúng tôi đã biết từ lâu, thế nhưng, để chấm dứt tình trạng này là rất khó đối với cơ sở vì xã chỉ có thẩm quyền yêu cầu ngư dân ký cam kết chấp hành Luật Thủy sản. Khi đi ra biển, các đối tượng thường che giấu đồ nghề để “qua mặt”, bị lực lượng chức năng phát hiện, họ chặt đứt lưới, bỏ chạy hoặc dùng tàu đâm thẳng để chống đối”.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2019, lực lượng chức năng bắt giữ 25 tàu cá đánh bắt sai quy định, xử phạt 297,5 triệu đồng; năm 2020, bắt giữ 52 tàu cá, xử phạt 527 triệu đồng; năm 2021, bắt giữ 22 tàu cá, xử phạt 325 triệu đồng; từ đầu năm 2022 đến nay, bắt giữ 23 tàu cá, xử phạt 330 triệu đồng.

Bài 1: Suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ Hà Tĩnh

(Còn nữa)

Trình bày: Công Ngọc

Đọc thêm

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.
Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.