Trong đó, khỉ vàng (Macaca mulatta), Cu li nhỏ (Nycticebus Pygmaeus) và đặc biệt là loài Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) - được mệnh danh là nữ hoàng linh trưởng đang bị săn bắt và khai thác ở mức độ cao.
Chà vá chân nâu được mệnh danh là nữ hoàng linh trưởng đang bị săn bắt ở mức độ cao tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Hướng tới mục tiêu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững các loài linh trưởng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, đề tài “Đánh giá thực trạng các loài động vật thuộc Bộ linh trưởng (Primates) có nguy cơ tuyệt chủng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang và xây dựng phương án bảo tồn” được triển khai.
Sau gần 2 năm, kết quả điều tra, phỏng vấn thuộc phạm vi đề tài đã xác định được Vườn Quốc gia Vũ Quang có 8 loài thú linh trưởng thuộc 1 bộ, 3 họ gồm: 5 loài họ khỉ; 2 loài họ cu li; 1 loài họ vượn.
Video: chà vá chân nâu tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (nguồn Video: Việt Hùng)
Kết quả điều tra cũng cho thấy số loài quan sát được trực tiếp nhiều nhất theo thứ tự là: Chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, khỉ mốc... Số loài ghi nhận được đa phần tập trung ở vùng lõi, nơi còn giầu tính đa dạng sinh học, thảm thực vật rừng còn tốt, nơi còn nhiều loài cây làm thức ăn và nơi trú ẩn an toàn, xa dân cư.
Ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang – Chủ nhiệm đề tài chia sẻ, đợt điều tra này cũng đã ghi nhận được 7 đàn vượn đen má trắng với số lượng 28 – 35 cá thể. Đây là quần thể vượn đen má trắng lớn nhất được ghi nhận ở miền Trung Việt Nam hiện nay.
Nhóm điều tra tổ chức tác nghiệp tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Ngoài ra, qua nghiên cứu cho thấy, Vườn Quốc gia Vũ Quang là nơi có sự đa dạng sinh học cao về tài nguyên thú linh trưởng so với toàn vùng địa lý khác của Việt Nam và cũng có thể được coi là “Vương quốc” của các loài linh trưởng.
Tính đa dạng phân loại học cao của thú linh trưởng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang không những thể hiện tính độc đáo, đặc hữu mà còn là nơi có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao về nguồn gen. Theo chúng tôi, sở dĩ ở Vườn Quốc gia Vũ Quang có số lượng loài linh trưởng đa dạng cao như vậy là do nơi đây nằm trên vị trí đặc biệt với sự di cư của 2 luồng động vật thú cổ xưa từ Ấn Độ - Hymalaya qua Vân Nam xuống và từ Ấn Độ - Malaya lên.
Bên cạnh đó, do quá trình hình thành dẫy Trường Sơn ở Kỷ Pleistoxen tạo ra sự khác biệt về khí hậu, kiểu khí hậu cận nhiệt đới ở phía Bắc và nhiệt đới ở phía Nam đã hình thành lên nhiều ổ sinh thái mới. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa loài và phân bố của các loài linh trưởng
Cá thể culi nhỏ được người dân giao nộp cho Vườn Quốc gia Vũ Quang
Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn cho biết, đây là một trong những đề tài được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá xuất sắc. Bởi kết quả đề tài đã xây dựng được chương trình giám sát đa dạng sinh học ngắn hạn và dài hạn cho đối tượng là các loài linh trưởng. Bên cạnh đó, xác định được nguyên nhân cơ bản đã đang đe dọa trực tiếp, gián tiếp đến sinh cảnh, môi trường sinh thái đến các quần thể linh trưởng.
Đặc biệt nhất là nhóm tác giả thực hiện đã xây dựng được các nhóm giải pháp cấp thiết bảo tồn các loài Linh trưởng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang (gồm: Bảo tồn sinh cảnh; quản lý, giám sát; đào tạo; trang thiết bị, tài liệu và nhóm giải pháp tổng hợp)
Trên cơ sở kết quả đề tài, Sở KH&CN cũng đề nghị Vườn Quốc gia Vũ Quang, nhóm nghiên cứu tiếp tục phối hợp nghiên cứu tạo thức ăn cho loài linh trưởng; kêu gọi các quỹ, các nguồn vốn để góp phần thực hiện công tác bảo tồn linh trưởng.