Khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội sớm chuẩn bị nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 và tại phiên họp tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã ký Văn bản số 1280/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết Kỳ họp thứ 3 và chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu khẩn trương, sớm chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Sớm chuẩn bị nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4

Đối với việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thông báo kết luận nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Tổng Thư ký Quốc hội; đồng thời đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương khẩn trương, sớm chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4 , tổ chức hội thảo, tọa đàm, các cuộc trao đổi, làm việc giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo để đảm bảo chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các dự án luật khó, phức tạp, như các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện các báo cáo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; Giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sớm phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội , Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện bước đầu dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 4 để gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan, tạo sự chủ động cho các cơ quan sớm chuẩn bị nội dung kỳ họp; Phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội, trong đó, nghiên cứu cách thức tổ chức Hội nghị hợp lý, hiệu quả, bảo đảm lấy được tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội theo hướng chia nhóm nội dung để tổ chức thảo luận đồng thời, thông báo đến các đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung nào thì đăng ký tham dự góp ý nội dung đó, đại biểu không nhất thiết tham dự tất cả các nội dung...

Sớm chuẩn bị nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 và tại Phiên họp tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, lưu ý những vấn đề đưa ra chất vấn tại kỳ họp, phiên họp, các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần bám sát tình hình thực tế, những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội rà soát, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan có phương án để tăng cường công tác thông tin, truyền thông, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, công tác lễ tân, hậu cần...

Thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết

Về tổng kết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất và đánh giá cao việc chuẩn bị dự thảo Báo cáo tổng kết của Tổng Thư ký Quốc hội.

Kỳ họp thứ 3 là kỳ họp giữa năm nhưng có khối lượng công việc rất lớn. Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu về 6 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác...

Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định rất toàn diện, đồng đều trên các lĩnh vực, vùng miền, địa phương, cả những vấn đề cấp thiết trước mắt cũng như vấn đề chiến lược, căn cơ lâu dài, trong đó có nhiều vấn đề khó, những chính sách đặc thù, chưa có tiền lệ, một số vấn đề tồn đọng từ lâu để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tiếp tục kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định được chuẩn bị kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét nhiều cấp, nhiều vòng. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết phục nên các luật, nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua đạt được sự đồng thuận cao.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 được tiến hành chu đáo, thông suốt, không có sự cố đáng tiếc xảy ra.

Kết quả của kỳ họp được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, được cử tri, Nhân dân, đồng bào trong và ngoài nước đánh giá cao, bảo đảm thực hiện đúng định hướng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 161/2021/QH14 ngày 8/4/2021 của Quốc hội Khóa XIV, đó là mở rộng dân chủ, ngày càng công khai, minh bạch, gần dân hơn, tăng tính pháp quyền và bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Từ thành công của Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rút ra một số kinh nghiệm căn bản, quý báu như:

Thứ nhất là, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ, cơ quan hữu quan luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tuân thủ quy định của pháp luật trong suốt quá trình chuẩn bị, tiến hành kỳ họp.

Thứ hai là, công tác chỉ đạo, điều hành rất sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo trong tổ chức và tiến hành kỳ họp; sự chủ động, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm, hiệu quả, vào cuộc từ sớm, từ xa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các bộ, ngành trung ương, các địa phương và của 04 Văn phòng Trung ương; đặc biệt là các cơ quan liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm cho kỳ họp (như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội); sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; việc huy động tối đa sự tham gia, đóng góp ý kiến chuyên sâu về nhiều nội dung của các chuyên gia, nhà khoa học; tinh thần nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội; sự đồng tình, ủng hộ, giám sát của cử tri và Nhân dân cả nước.

Thứ ba là, công tác tham mưu, đề xuất chính xác, kịp thời, bám sát diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó, việc tham mưu mời đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại diện Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự thính các phiên họp quan trọng của Quốc hội; tăng thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam một số phiên thảo luận về các dự án luật đã góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng sự tương tác giữa Quốc hội với cử tri cũng như tạo điều kiện cho cử tri và Nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội.

Để thành công của kỳ họp là thực chất, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua phải sớm đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết; sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gắn với Hội nghị triển khai chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, Hội nghị tổng kết công tác giám sát năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các thầy cô giáo luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.
Vang mãi bài ca kết đoàn...

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Hình thành và phát triển trong quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở các thời kỳ lịch sử, truyền thống đó tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng luôn là sức mạnh vô địch, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi vẻ vang.