Khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ trong sáng của Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Cách đây tròn 45 năm (7/1/1979 - 7/1/2024), hơn 11 nghìn người con Hà Tĩnh đã lên đường cùng quân và dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.

Kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Chiến thắng lịch sử ấy đã khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng khẳng định: “Nếu không có ngày 7/1/1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận” (1).

Khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ trong sáng của Việt Nam

Người dân Campuchia chạy sang lánh nạn trên vùng biên giới Tây - Nam của Việt Nam để tránh bị Khmer Đỏ hành quyết. Ảnh tư liệu TTXVN.

Trong cuộc kháng chiến ấy, quân và dân ta đã đánh tan quân xâm lược Pol Pot, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng man rợ nhất trong lịch sử loài người, bắt đầu công cuộc hồi sinh đất nước.

Ngày 16/11/2018, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Phiên tòa Bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của Tập đoàn diệt chủng Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại.

Phán quyết này đã trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ diệt chủng và một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam đối với Campuchia.

Khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ trong sáng của Việt Nam

Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Ảnh tư liệu (Báo QĐND).

Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng hữu nghị và thân thiện, gắn bó, giúp đỡ nhau trong lịch sử, nhất là trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng, sau khi lên cầm quyền vào tháng 4/1975, tập đoàn Pol Pot - leng Sary đã phản bội lại nhân dân Campuchia, lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền...

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot - leng Sary xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc; gây ra những tội ác đẫm máu đối với nhân dân ta, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Trong năm 1975, chúng đánh chiếm đảo Phú Quốc, chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hàng trăm dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích cho di dời cột mốc biên giới các tỉnh ở Tây Nguyên. Năm 1976, chúng tấn công sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Từ tháng 3 - 4/1977, chúng mở liên tiếp nhiều cuộc hành quân dọc biên giới nước ta, thực hiện âm mưu xâm lược quy mô lớn vào vùng biên giới Tây Nam nước ta.

Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch; mặt khác, kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhiều lần đề nghị đàm phán với Chính phủ Campuchia. Song, Pol Pot - leng Sary không những cự tuyệt, khước từ mọi thiện chí của ta mà còn đẩy mạnh hoạt động chống phá, ráo riết chuẩn bị chiến tranh.

Đêm 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pol Pot đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.

Cuộc chiến tranh đã trải qua 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (từ ngày 30/4/1977 đến ngày 05/01/1978): Pol Pot liên tiếp mở 3 cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam.

Khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ trong sáng của Việt Nam

Pháo binh của ta bảo vệ biên giới Tây Nam tháng 9/1977. Ảnh tư liệu TTXVN

Ngày 30/4/1977, chúng đánh vào 14/16 xã biên giới thuộc tỉnh An Giang, tàn phá các bản làng, trường học, bắn pháo vào những nơi đông dân cư ở sát biên giới và vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho lực lượng vũ trang ở phía Nam: “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia”.

Từ ngày 25/9/1977, quân Pol Pot tập trung 9 sư đoàn chủ lực cùng lực lượng địa phương mở cuộc tấn công lớn thứ 2 đánh sang địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh, gây nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Riêng ở 3 xã thuộc các huyện Tân Biên, Bến Cầu (Tây Ninh), quân Pol Pot đã tàn sát trên một nghìn người dân.

Bộ Tổng Tham mưu của ta quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực cơ động đánh lui các cuộc tấn công của quân Pol Pot ở nhiều khu vực trên biên giới, giành lại những khu vực bị lấn chiếm.

Ngày 15/11/1977, quân Pol Pot mở cuộc tấn công mới nhằm đánh chiếm thị xã Tây Ninh. Trước tình hình đó, từ 5/12/1977 đến 5/1/1978, quân ta mở đợt phản công trên các hướng truy kích quân Pol Pot làm thiệt hại 5 sư đoàn và thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.

Khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ trong sáng của Việt Nam

Quân tình nguyện Việt Nam phản kích quân Pol Pot. Ảnh tư liệu. (Nguồn: TTXVN).

Giai đoạn 2 của cuộc chiến kéo dài từ ngày 6/1/1978 đến ngày 7/1/1979. Tháng 1/1978, Pol Pot đưa thêm 2 sư đoàn ra biên giới, liên tục tiến công lấn chiếm, bắn phá vào những nơi đông dân cư, gây nhiều tội ác với đồng bào ta. Bộ Tổng Tham mưu đã điều động Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) tăng cường cho Quân khu 9, sẵn sàng chiến đấu.

Mặc dù, Chính phủ ta đã ra tuyên bố 3 điểm, trong đó có việc hội đàm tiến tới kí hiệp ước hữu nghị và không xâm lược, nhưng quân Pol Pot đã phớt lờ và tiếp tục huy động lực lượng áp sát biên giới, tiến công, xâm nhập nhiều điểm trên địa phận nước ta.

Từ ngày 26/3/1978, các đơn vị quân đội ta chuyển sang tiến công, đẩy quân Pol Pot lùi xa dần biên giới; đồng thời hỗ trợ phong trào nổi dậy của lực lượng cách mạng Campuchia phát triển, đỉnh cao là cuộc nổi dậy từ ngày 26/5/1978 ở Quân khu Đông.

Ngày 15/6/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn về chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Pol Pot ở biên giới Tây Nam và tình hình căng thẳng ở biên giới phía Bắc; quyết định phát động chiến tranh nhân dân. Cùng với đó, từ tháng 5 đến tháng 11/1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phát triển, đặc biệt là sự ra đời của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt nhân dân Campuchia ngày 2/12/1978.

Ngày 23/12/1978, Pol Pot mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. “Đáp lời kêu gọi xuất quân chi viện của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và chấp hành quyết định của Đảng và Nhà nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, bội đội tình nguyện Việt Nam, cùng quân và dân nước bạn tiến công quân Pol Pot. Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng” (2).

Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của nhân dân Việt Nam nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pol Pot - leng Sary gây ra. Đồng thời, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong.

Khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ trong sáng của Việt Nam

Đoàn công tác của Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng (Ảnh Báo QĐND).

Đến nay, những sự kiện lịch sử ngày càng được sáng tỏ, chúng ta một lần nữa tự hào nhắc lại lời khẳng định của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đối với Việt Nam là cuộc chiến tự vệ, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia”(3).

Chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam cũng đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Qua đó, khẳng định tư tưởng quân sự Việt Nam, luôn “đặt cách mạng Việt Nam trong thế chung của cách mạng thế giới, kết hợp lợi ích dân tộc với lợi ích chung của nhân dân các nước”(4).

--------------

1. Chiến thắng biên giới Tây Nam Việt Nam và dấu ấn Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2014, tr.170.

2. Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh, Biên niên sự kiện Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam 1930 – 2000, Nxb Quân đội nhân dân, 2021, tr.351

3. Cuộc chiến vì chính nghĩa, dẫn theo Báo Quân đội nhân dân, ngày 7/1/2019.

4. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam, tổng tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tr.385.

  • Khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ trong sáng của Việt Nam
    Giải phóng Phnom Penh và câu chuyện về giáo sư trong nhà tù Khmer Đỏ

    Từng có mặt trong chuyến công tác đặc biệt, theo một trong 5 cánh quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979 lịch sử, nhà báo Vũ Xuân Bân không khỏi bồi hồi nhớ về những ngày tháng gian khổ. Ký ức về thời hoa lửa chưa một ngày phai mờ trong tâm trí ông, đặc biệt trong năm kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2017). Tất cả lại rạo rực sống dậy tràn đầy, vẹn nguyên.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.