Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Võ Hồng Hải dẫn đầu làm việc tại Nghi Xuân.
Trên địa bàn huyện Nghi Xuân hiện có 76 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du thuộc di tích đặc biệt cấp quốc gia; 7 di tích cấp quốc gia khác gồm: Đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng), đền thờ Nguyễn Xí (Cương Gián), đình Hoa Vân Hải (Cổ Đạm), đền thờ Trịnh Khắc Lập (Xuân Thành), đền thờ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ (Xuân Giang), di tích khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi (Xuân Viên), đình Hội Thống (Xuân Hội) và 68 di tích văn hóa cấp tỉnh.
Đoàn kiểm tra, khảo sát tại đình Hội Thống (xã Xuân Hội)
Di tích lịch sử văn hóa của huyện Nghi Xuân phong phú về loại hình, trong đó có những di tích gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của những vùng đất giàu truyền thống. Vì vậy, đến nay việc cắm mốc bảo vệ di tích khá bài bản, không có hiện tượng lấn chiếm, tranh chấp.
Bên cạnh công tác bảo tồn, huyện Nghi Xuân còn làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư, con em xa quê để trùng tu tôn tạo nhiều di tích với tổng nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn: Quản lý, bảo tồn di tích là nhiệm vụ khó khăn nên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, do sự tàn phá của thiên tai và thiếu nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều di tích bị xuống cấp. Cùng với đó, công tác tổ chức bộ máy nhân sự các cấp và cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ; việc phân cấp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều vấn đề cần được điều chỉnh...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác thực, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại đền Chợ Củi chưa tốt nên chưa thu hút được nhiều du khách
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải đánh giá cao những nỗ lực của huyện Nghi Xuân trong công tác bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nghi Xuân là địa phương sở hữu nhiều loại hình văn hóa phong phú, có giá trị lớn về mặt văn hóa tín ngưỡng. Vì vậy, thời gian tới, huyện Nghi Xuân cần tập trung nâng cấp, sửa chữa những di tích văn hóa xứng tầm để không chỉ bảo tồn, gìn giữ mà còn thu hút du khách và tăng thu ngân sách...
* Sau khi tiến hành khảo sát và làm việc với huyện Can Lộc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh đề nghị huyện cần có kế hoạch, quy hoạch xây dựng, sử dụng, quản lý các di tích; thống kê, đánh giá để có mô hình quản lý di tích phù hợp. Bên cạnh đó, tích cực trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa theo quy định; tuyên truyền, phát huy giá trị các di sản vật thể, phi vật thể trên địa bàn.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh và đoàn khảo sát Mộc bản Trường học Phúc Giang tại xã Trường Lộc
Can Lộc hiện là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, với 76 di tích, trong đó có 1 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 14 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 61 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; 13 di tích chưa được xếp hạng và 2 di tích chưa đề nghị xếp hạng. Từ năm 2013-2017, có 54 di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí trên 103 tỷ đồng.
Trong đó, các di tích như Mộc bản Trường học Phúc Giang được UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận là di sản tư liệu thế giới; chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130, di tích lịch sử Ngã ba Nghèn, ví phường vải Trường Lưu… được nhiều người trong nước và thế giới quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu. Đến nay, đã có 6 đề tài khoa học nghiên cứu liên quan đến hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn.