Khi siêu cầu thủ trở thành… siêu trộm

Năm 1985, ở tuổi 18, Pal Enger có màn ra mắt bóng đá chuyên nghiệp trong màu áo Valerenga, câu lạc bộ của hiệp hội Oslo, ở Eliteserien, phiên bản giải Ngoại hạng Anh ở Na Uy. Nhưng trong nhiều năm, hắn có một thú tiêu khiển đáng sợ mà cuối cùng dẫn tới nhiều án tù và mất đi cơ hội trở thành huyền thoại bóng đá.

Nỗi ám ảnh từ nhỏ

Bộ phim tài liệu được phát hành gần đây trên kênh Sky Now, The Man Who Stole The Scream (dịch: Kẻ đánh cắp bức The Scream) đã dựng lại hành trình phạm tội của Enger. Hành trình của hắn gần như không thể tin nổi, tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh.

Từ nhỏ, Pal Enger đã mê mẩn 2 thứ. Đầu tiên là bộ phim mafia The Godfather do Francis Ford Coppola đạo diễn. Ở tuổi 15, hắn thậm chí dùng số tiền khó khăn gom góp được để bay tới New York, xem bộ phim được sản xuất ở đâu. Thứ 2 là tác phẩm đầy ám ảnh The Scream (Tiếng hét) của họa sĩ Edvard Munch. Thế nên, năm 1994, hắn đã đánh cắp nó.

Khi siêu cầu thủ trở thành… siêu trộm

Pal Enger đang có tương lai tươi sáng trước khi đánh cắp tranh của Edvard Munch

Enger lớn lên ở khu phố Tveita của Oslo, là “tâm chấn” tội phạm ở thủ đô Na Uy. Trẻ em ở đây hoặc lớn lên thành tội phạm, hoặc chơi thể thao. Enger chọn cả 2.

Khi mới là một cậu bé, Enger đã thường ăn cắp bánh kẹo ở các cửa hàng địa phương. Dần dần, Enger tiến tới các loại tội phạm tinh vi và độc ác như cướp cửa hàng trang sức, phá két sắt vào ban đêm và cho nổ máy ATM. Đồng đội cũ của hắn, Erik Fosse, kể rằng hắn không bao giờ bắt tàu điện ngầm vào thành phố mà thường trộm một chiếc Porsche, Mercedes hay BMW và lái vào.

Lần đầu tiên Enger nhìn thấy bức The Scream là vào năm 8 tuổi, khi lần đầu tới Phòng Trưng bày Quốc gia. Ngay khi đó, hắn đã thấy rõ ràng “có gì đó ở đây thuộc về tôi”. Với hắn, bức tranh là phiên bản sơn dầu và vải của vết thương lòng mà hắn phải chịu đựng dưới bàn tay của người cha dượng bạo lực và một khu phố tàn bạo. Ăn cắp tác phẩm sẽ là đỉnh điểm trong cuộc đời tội ác của hắn.

Nhưng đây cũng không phải lần đầu hắn đánh cắp một bức họa của người đồng hương Na Uy.

Năm 1988, Enger là ngôi sao đang lên trên sân cỏ. “Hắn ta rất tài năng” - theo Dag Vestlund, quản lý của Valerenga khi đó - "Hắn nhỏ con, nhanh nhẹn và cứng rắn. Tôi rất thích hắn. Hắn luôn cư xử tốt khi gặp tôi. Luôn lịch thiệp, luôn khiêm tốn".

Ở tuổi đôi mươi, Enger đã có mọi thứ gồm tiền bạc, ô tô, thuyền và “người phụ nữ đẹp nhất Na Uy” - như hắn kể. Tuy nhiên, hắn vẫn khao khát điều gì lớn lao hơn để cho thế giới thấy khả năng của mình, không phải trên sân cỏ mà là trong bóng tối. Hắn quyết định đánh cắp bức The Scream từ Phòng trưng bày Quốc gia ở Oslo.

Khi siêu cầu thủ trở thành… siêu trộm

Bức “The Scream” từng bị Pal Enger đánh cắp năm 1994

Cùng với Bjorn Grytdal, người bạn trong nhiều “phi vụ” từ những ngày đầu tội lỗi, hắn đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho vụ trộm. Hắn bắt đầu thăm dò khu vực, đếm từng trụ tường và cửa sổ quanh mục tiêu. Để rồi vào một ngày, hắn tới nơi, tựa nóc ô tô vào tường và trườn lên. Mục tiêu của hắn không phải là giữ lại bức họa cả đời mà chỉ trong ít lâu, để nâng nó lên khỏi góc phòng trưng bày mà hắn cảm thấy nó đã bị đặt thấp một cách sai trái.

Tuy vậy, kế hoạch của cặp đôi không hoàn hảo. Một tính toán sai lầm khiến chúng đứng trước không phải bức The Scream mà là Vampire của Munch. Thế nên, chúng đánh cắp luôn bức này. “Nỗi thất vọng kéo dài trong nhiều ngày” - Enger nói - “Nhưng sau đó nó bắt đầu trở nên thú vị”.

Trong một thời gian, chúng giấu bức họa lên trần một phòng chơi bi-a mà Enger mua. Đây là nơi cảnh sát địa phương hay lui tới giải trí. “Họ không biết nó chỉ cách họ có 1 mét” - Enger nói - "Đó là cảm giác tuyệt vời nhất. Chúng tôi để họ chơi miễn phí tại đó".

Enger không định kiếm chác gì từ bức họa. Không may cho hắn, Grytdal lại muốn đem bán. Gã đồng phạm vì thế đã đã lộ cho một người hàng xóm - mà hóa ra lại là người cung cấp thông tin mật - về vụ trộm. Và ngay sau đó cảnh sát đã xông vào nhà Enger, tìm thấy bức Vampire đang treo trên tường.

"Tôi đã làm nên lịch sử. Phim ảnh thường dựng những chuyện như vậy. Nhưng đây không phải phim. Đây là đời thực“-”siêu trộm" Enger.

Đời thực như phim

Enger phải đi tù 4 năm về tội trộm bức Vampire và sự nghiệp bóng đá vì thế cũng đi đứt. Nhưng chuyện không dừng ở đó. Trong tù, hắn trau dồi kiến thức để chờ dịp tái xuất và vì vậy có biệt danh là “người hay hỏi”.

Khi được thả vào năm 1992, trong tâm trí hắn vẫn ngập tràn hình ảnh bầu trời cam, đỏ và xanh của bức The Scream như ngày nào.

Vào ngày 12/2/1994, cả thế giới đang hướng về lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông năm đó ở Lillehammer, chỉ cách chỗ hắn 2 giờ đi ô tô. Enger đã nắm lấy cơ hội, khi biết hầu hết cảnh sát ở Oslo đã bị điều về phía Bắc để đảm bảo an ninh cho sự kiện lớn này.

Khi siêu cầu thủ trở thành… siêu trộm

Gian phòng tranh Munch ở Phòng trưng bày quốc gia

Đêm trước vụ trộm, hắn vô cùng sợ hãi. Có gì trong hắn nói hãy dừng lại. Hắn lo lắng sẽ làm hỏng bức họa hay bị tống lại nhà tù. Nhưng khao khát có được The Scream quá lớn. Biết mình sẽ trở thành nghi phạm số 1, Enger đã tranh thủ sự giúp đỡ của một người đàn ông vô gia cư tên William Aasheim - kẻ cũng từng “đào tường khoét vách” - trong khi hắn ở nhà cùng người vợ ngây thơ cách đó nhiều dặm.

Aasheim và một đồng phạm đã dùng thang trèo lên cửa sổ Phòng trưng bày Quốc gia, đập vỡ kính, rồi trèo vào trong. Chỉ 90 giây sau, bức The Scream đã biến mất, thay vào đó là dòng chữ “Cảm ơn vì an ninh kém”!

“Phòng trưng bày Quốc gia không có an ninh” - theo điều tra viên trưởng Leif Lier của cảnh sát Oslo - "Trộm có thể phá cửa sổ để vào và lấy đi bức họa. Họ có vài máy quay giám sát nhưng đó là năm 1994 nên hình ảnh rất mờ".

Enger tiết lộ rằng dù là nghi phạm, cảnh sát không thể liên kết hắn với tội ác. Hắn thậm chí chụp ảnh cho tạp chí Dagbladet ở phòng trưng bày với tiêu đề “Tôi không đánh cắp The Scream”. Vài tuần sau vụ trộm, con trai đầu lòng của hắn chào đời. Enger đã đăng quảng cáo lên báo, nói rằng con trai hắn, Oscar, đã chào đời “với một tiếng hét”. Hắn cũng gọi vô số cuộc gọi nặc danh, khẳng định có bức họa trong xe hắn. Khi cảnh sát chặn hắn lại và khám xét chiếc xe, họ chỉ thấy một chiếc xe rỗng, trong sự vui sướng của Enger.

Nhưng cuộc vui kéo dài không lâu. Enger, thông qua nhà buôn nghệ thuật Einar-Tore-Ulving, tìm cách bán bức họa. Tại một khách sạn ở Oslo, Ulving gặp một người đàn ông tự nhận mình là nhà buôn tranh nghệ thuật từ Bảo tàng Getty. Thực ra đó là một sĩ quan cảnh sát tên Charley Hill.

Ulving đã đưa giá khoảng 400.000 USD cho bức họa có giá trị 150 triệu USD. Hill đồng ý và cả 2 lái xe tới Aasgardstrand, một làng nhỏ phía Nam Oslo, để lấy The Scream từ một căn hầm. Ulving nhanh chóng bị bắt giữ, và ngay sau đó, Aasheim cũng vậy.

Enger bế đưa con sơ sinh, địu trước ngực rồi lái xe trốn khỏi nhà với khẩu súng trên tay. Cảnh sát đã bám theo hắn tới một trạm xăng, tóm được hắn trước khi mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát. Ban đầu, hắn bị buộc “tội dùng súng trái phép” nhưng sau đó, dù thiếu bằng chứng, chuyển thành tội trộm bức The Scream. Hắn bị kết án 6 năm tù, bản án lâu nhất trong lịch sử Na Uy cho một tội ác như vậy.

Nhưng tù tội không phải là điều tồi tệ nhất với Enger mà là cảm giác như bị tước đi The Scream. “Tôi cảm thấy khủng khiếp, thật sự khủng khiếp” - Enger nhớ lại - “Gần giống như mất đi một đứa con”.

Khi siêu cầu thủ trở thành… siêu trộm

Enger giờ đang tập vẽ theo phong cách của Munch

Trong tù, Enger học vẽ. Và giờ đây hắn tuyên bố mọi người đang xếp hàng để mua tác phẩm của mình. Bản The Scream của Na Uy (Munch đã vẽ 4 phiên bản) hiện treo tại Bảo tàng Quốc gia mới - vừa mở cửa năm ngoái và trị giá 630 triệu USD - nơi Enger tự tin rằng được xây “vì hắn”.

Nhìn lại cuộc đời mình, Enger nói có thể hắn sẽ làm khác đi một chút. Nhưng hắn không hối tiếc khi trộm bức The Scream : "Tôi đã làm nên lịch sử và đó là câu chuyện hay. Phim ảnh thường dựng những chuyện như vậy. Nhưng đây không phải phim. Đây là đời thực".

"Tiếng hét vô tận"

The Scream là tác phẩm do họa sĩ người Na Uy Edvard Munch vẽ vào năm 1893. Khuôn mặt đau đớn trong bức họa là một trong những hình ảnh nghệ thuật mang tính biểu tượng nhất, được coi là biểu trưng cho nỗi lo lắng của thân phận làm người. Các tác phẩm của Munch, bao gồm The Scream, có ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào Biểu hiện.

Munch nhớ lại rằng khi ông đang đi dạo lúc hoàng hôn thì đột nhiên ánh sáng mặt trời lặn biến những đám mây thành “màu đỏ máu”. Ông cảm nhận được một “tiếng hét vô tận xuyên qua thiên nhiên”. Munch đã tạo ra 2 phiên bản bằng sơn dầu, 2 bằng phấn màu cũng như 1 tấm đá in thạch bản.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Khoảng lặng bình yên

Podcast truyện ngắn: Khoảng lặng bình yên

Khiêm đi về phía trường học, một nhóm học sinh vừa tan lớp buổi chiều ríu rít cất tiếng chào thầy, nụ cười hồn nhiên cùng ánh mắt sáng ngời lấp lánh. Anh mỉm cười vẫy tay với lũ trẻ rồi thoáng nghĩ về Linh...
Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Tết Dương lịch: "Xu hướng xuất ngoại dịp Tết dự kiến tăng trong thời gian tới bởi nhiều du khách muốn tránh áp lực Tết truyền thống cũng như tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ", theo đại diện một đơn vị lữ hành.
5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

Hoa hậu Thanh Thủy được nhận xét có gương mặt tựa búp bê, còn á hậu 1 người Bolivia ghi điểm về thần thái, tự tin trong ứng xử tại Miss International 2024.
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 mang chủ đề "Du lịch Hoà Bình - Kết nối khát vọng xanh" sẽ diễn ra trong các ngày từ 15 - 23/11/2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.