Hà Tĩnh triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

(Baohatinh.vn) - Mục đích của kế hoạch là triển khai kịp thời nội dung “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Tĩnh.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch số 402/KH-UBND về việc triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Thư viện Hà Tĩnh nỗ lực “nuôi dưỡng” văn hóa đọc trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn những diễn biến phức tạp.

Theo đó, chuyển đổi số theo hướng hiện đại trên cơ sở ứng dụng khai thác có hiệu quả công nghệ số phát triển nguồn lực thông tin và tài nguyên số, xây dựng thư viện hiện đại, thư viện số, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của các tầng lớp Nhân dân và xây dựng xã hội học tập.

Mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025 là Thư viện tỉnh và thư viện các huyện, thành phố, thị xã được hoàn thiện, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện. Nâng cấp, hoàn thiện trang thông tin điện tử các thư viện theo hướng hiện đại gắn với cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp các thành phần dữ liệu mở.

Hà Tĩnh triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Mô hình Thư viện số - xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Ảnh Internet

Trong đó, 80% thư viện chuyên ngành, thư viện Trường Đại học Hà Tĩnh, các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh và 60% thư viện huyện, thành phố, thư viện cơ sở giáo dục có trang thông tin điện tử, có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ, nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ, nội dung đọc hạn chế).

Quản lý số hoá 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh Hà Tĩnh thu thập; 60% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của thư viện các huyện, thành phố, thị xã được thu thập; 70% tài liệu, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Nhờ số hóa tài liệu, mỗi người có thể tiết kiệm được tới 40% thời gian cho việc tìm kiếm tài liệu trên thư viện. Ảnh Internet

Bên cạnh đó là đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại cho 100% người làm công tác thư viện.

Kế hoạch đề ra 8 nội dung để thực hiện gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật; hoàn thiện và phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số các thư viện; xây dựng và phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác.

Đồng thời đặt ra yêu cầu bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thu hút đông đảo người dân quan tâm và sử dụng dịch vụ thư viện. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của hệ thống các thư viện.

Chủ đề Công nghệ 4.0 tại Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast