Sáng 29/6, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ tầm quan trọng của chiến lược phát triển văn hóa trong công cuộc phát triển chung của đất nước. Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn, thông qua hội nghị lần này, các đại biểu sẽ có nhiều đóng góp thiết thực giúp bộ hoàn thiện dự thảo chiến lược văn hóa để trình Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng mong hội nghị sẽ dành thời gian thảo luận về Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh
Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 gồm có 4 phần: Quan điểm của chiến lược phát triển văn hóa; mục tiêu và chỉ tiêu thực hiện của chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa; tổ chức thực hiện.
Trong đó, mục tiêu chung của chiến lược là: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Các đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh nghe Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc
Dự thảo chiến lược cũng đề ra 9 chỉ tiêu phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, một số chỉ tiêu ấn tượng, như: Có ít nhất 5 di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. 95-100% di tích quốc gia đặc biệt và 65-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 65-70% số di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị. Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP...
Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu cũng đã được nghe và góp ý dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025.
Du lịch Việt Nam giai đoạn 2013 - 2019 là thời kỳ có nhiều thành tựu phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành này đang đối diện với sự suy thoái trầm trọng. Chương trình hành động nhằm đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp vực dậy, thúc đẩy ngành du lịch hồi sinh và phát triển trở lại.
Đại biểu điểm cầu Thừa Thiên Huế trình bày tham luận về bảo tồn và phát triển văn hóa
6 tham luận của các đại biểu tham gia thảo luận đánh giá cao tính thiết thực và khả thi cao của chương trình hành động, đồng thời góp ý bổ sung để chương trình hoàn thiện hơn.
Các ý kiến cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung dự thảo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ VH-TT&DL xây dựng và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.
Các đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh cũng đã nghiên cứu các báo cáo và sẽ góp ý bằng văn bản, gửi ra Bộ VH-TT&DL.
Các đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.
Kết luận hội nghị, thay mặt Bộ trưởng, Thứ trưởng VH-TT&DL Tạ Quang Đông cảm ơn các đại biểu ở 63 điểm cầu tỉnh, thành phố đã lắng nghe các báo cáo, nghiên cứu và có nhiều ý kiến đóng góp giá trị. Các ý kiến sẽ được bộ tiếp thu và bổ sung vào dự thảo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, để trình lên Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.
Bên cạnh đó, các ý kiến đóng góp cho Chương trình hành động phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025 cũng sẽ sớm được bổ sung hợp lý và chỉ đạo Tổng cục Du lịch sớm triển khai thực hiện.