Hướng mở trong xử lý chất thải rắn

(Baohatinh.vn) - Dù hầu hết các xã trong toàn tỉnh đều có tổ, đội hay HTX môi trường, nhưng công tác thu gom, xử lý rác thải ở phần lớn các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp. Gần đây, với việc xây dựng thử nghiệm thành công lò đốt theo công nghệ GFC-SANKYO Nfi-05 (công nghệ Nhật Bản) của Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh đang mở hướng mới trong việc giải quyết vấn đề này…

Khó khăn trong xử lý rác

Theo thống kê, bình quân mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các gia đình, khu dân cư trên địa bàn tỉnh khoảng 1.141 tấn/ngày (tương đương 416.465 tấn/năm). Hiện toàn tỉnh có 3 công ty và 137 HTX, tổ đội vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt vùng đô thị 90,1%, vùng nông thôn 37,6%, tổng lượng rác sinh hoạt thu gom được trên toàn tỉnh khoảng 530 tấn/ngày.

Hướng mở trong xử lý chất thải rắn ảnh 1

Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh xây dựng thử nghiệm lò đốt theo công nghệ Nhật Bản.

Toàn tỉnh mới chỉ có Nhà máy Chế biến rác Cẩm Quan và 5 bãi chôn lấp được xây dựng, vận hành đảm bảo tiêu chuẩn. Nhiều bãi rác xây dựng chưa đúng quy định, việc chôn lấp chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Thậm chí, nhiều nơi, điển hình như dọc QL 1A, đường mòn Hồ Chí Minh… lượng rác vứt bừa bãi không được xử lý hoặc xử lý chậm còn khá nhiều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phát sinh một lượng lớn chất thải công nghiệp, chất thải rắn nguy hại và tăng dần theo từng năm. Năm 2008, ước tính có khoảng 48.200 tấn chất thải rắn công nghiệp phát sinh; đến năm 2011, khoảng 71.480 tấn; năm 2013, khoảng 85.700 tấn. Trong khi chưa có khu xử lý chất thải rắn công nghiệp, lượng rác thải này một phần được tận thu, tái chế, xử lý; một phần đổ vào các bãi thải của nhà máy hoặc xử lý chung với chất thải sinh hoạt. Việc thu gom cũng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều bãi rác còn tạm bợ, một số nơi còn xảy ra tình trạng đổ rác bừa bãi.

Thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xử lý chất thải, tuy nhiên, nhiều địa phương còn tỏ ra lúng túng. Việc thành lập và tổ chức các HTX môi trường gặp nhiều khó khăn, hoạt động chưa hiệu quả do kinh phí hạn hẹp; thiếu trang thiết bị thu gom, vận chuyển; mức thu nhập của xã viên còn thấp: chỉ 800 nghìn - khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phan Quốc Lập - Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết, huyện hiện có 1 khu chôn lấp rác tại thị trấn với diện tích khoảng 1,2 ha. Rác thải ở các khu dân cư, chủ yếu khu vực thị trấn được HTX môi trường thu gom, vận chuyển ra bãi rác, sau đó, chôn lấp và khử mùi bằng công nghệ sinh học. Nhưng hiện tại, bãi rác đang có hiện tượng quá tải, HTX môi trường không đủ kinh phí để thực hiện việc chôn lấp. Hương Khê đã được tỉnh phê duyệt dự án xây dựng khu xử lý rác tại xã Hương Thủy (diện tích 5 ha) theo hình thức xã hội hóa đầu tư, tuy nhiên, chưa có nhà đầu tư nào tỏ ra mặn mà với dự án. Nhưng việc xử lý bằng phương pháp chôn lấp cũng không giải quyết ô nhiễm môi trường triệt để, không mang hiệu quả thiết thực cho tương lai trong khi lại chiếm nhiều diện tích đất.

Niềm hy vọng mới

Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc xử lý rác ở Hà Tĩnh còn nhiều bất cập, nhưng chưa có kinh phí để đầu tư, giải quyết. Sở TN&MT đề xuất chuyển giao một số lò đốt như một giải pháp tạm thời nhằm xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt phù hợp với các vùng nông thôn.

Hướng mở trong xử lý chất thải rắn ảnh 2
Lò đốt chất thải rắn GFC-SANKYO Nfi-05 (công nghệ Nhật Bản) được Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả

Thời gian gần đây, Sở TN&MT phối hợp Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh thực hiện mô hình thí điểm xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt tại xã Kỳ Tân. Anh Lê Quang Hòa - Giám đốc Công ty cho biết, công ty thí điểm lò đốt chất thải rắn GFC-SANKYO Nfi-05 (công nghệ Nhật Bản) đến nay đã được Sở TN&MT, Sở KH&CN đánh giá cao và an toàn với môi trường. Lò đốt đã được triển khai tại một số tỉnh như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương… Giá một lò đốt gần 2,5 tỷ đồng.

Sau thời gian vận hành thử nghiệm, lượng rác đốt tại lò khoảng 10 tấn/ngày, thời gian vận hành khoảng 20 giờ/ngày, tro xỉ cháy hoàn toàn, thải ra khoảng 1-2%. Quá trình đốt rác không cần nhiên liệu hay điện năng. Tuy nhiên, mức giá của lò đốt vẫn còn khá cao.

Theo đánh giá của Sở TN&MT, lò đốt GFC-SANKYO Nfi-05 hoàn toàn phù hợp với quy mô xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương khi chưa đầu tư xây dựng được nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô lớn. Sở cũng đã kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương nhân rộng mô hình và ban hành chính sách hỗ trợ để triển khai nhân rộng.

Với mục tiêu tìm phương án kỹ thuật để chế tạo lò đốt ứng dụng trên địa bàn với giá cả hợp lý, Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh đang xây dựng thử nghiệm lò đốt theo công nghệ GFC-SANKYO Nfi-05. Anh Nguyễn Văn Dương kỹ sư xây dựng của công ty cho hay: “So với lò cũ, chúng tôi sẽ cải tiến ống khói, nâng phần gạch cao hơn để đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Toàn bộ nguyên liệu đều được nhập từ Nhật Bản. Dự tính chi phí xây dựng lò đốt hơn 500 triệu đồng (tiết kiệm gần 2 tỷ đồng so với nhập nguyên lò - PV). Chúng tôi cũng đang nghiên cứu lắp thêm bộ phận băng chuyền để chuyền rác vào lò, đảm bảo an toàn cho người vận hành”.

Việc xây dựng thử nghiệm thành công lò đốt theo công nghệ GFC-SANKYO Nfi-05 sẽ mở lối ra cho sự bế tắc về bài toán kinh phí xử lý rác trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết tình trạng ứ đọng rác, gây ô nhiễm môi trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast