Xây dựng đảo năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới

Bỉ đang xây dựng một hòn đảo năng lượng ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Hòn đảo mang tên Princesse Elisabeth (Công chúa Elisabeth) này sẽ kết nối các trang trại điện gió ở Biển Bắc với đất liền, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động truyền tải điện xanh.

Tạo hình hòn đảo năng lượng tái tạo Princesse Elisabeth. Ảnh: Elia Transmission Belgium
Tạo hình hòn đảo năng lượng tái tạo Princesse Elisabeth. Ảnh: Elia Transmission Belgium

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, dự án đã chính thức khởi công. Các hoạt động thi công trên đất liền đang diễn ra tại Hà Lan, trong đó, các công nhân chuẩn bị cho việc lắp đặt những khối bê tông khổng lồ.

Theo bà Valérie Deloze, Trưởng dự án Cơ sở hạ tầng tại Elia, đơn vị thi công công trình, đây là những khối bê tông lớn rỗng bên trong để có thể nổi khi vận chuyển ra biển. Sau đó, các công nhân sẽ đổ cát vào để định vị trên mặt đất và hình thành đường viền bao quanh hòn đảo. Sẽ có 22 khối bê tông khổng lồ được lắp đặt ngoài khơi vào tháng 8/2026.

Sau khi lắp đặt các khối bê tông, Elia - nhà điều hành hệ thống truyền tải điện của Bỉ - sẽ bắt đầu lắp đặt tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết cho “nút giao thông” điện gió khổng lồ này, bao gồm các trạm biến áp, cáp điện và các thiết bị khác cần thiết để truyền tải 3,5 gigawatt điện gió ngoài khơi đến đất liền. Đây là một con số khổng lồ biến hòn đảo thành nhà máy điện lớn nhất Bỉ trong tương lai. Khi đạt đến các điều kiện tối ưu, hòn đảo năng lượng này sẽ cung cấp lượng điện gấp 3 lần sản lượng của một nhà máy điện hạt nhân.

Hòn đảo năng lượng Princesse Elisabeth là một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Bỉ và châu Âu. Dự án này sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chống biến đổi khí hậu. Hòn đảo cũng sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Dự án xây dựng một hòn đảo năng lượng được đánh giá phức tạp và đầy thách thức. Các kỹ sư phải tính đến những điều kiện khắc nghiệt của Biển Bắc và đảm bảo rằng hòn đảo có thể chịu được bão tố và lũ lụt. Dù vậy, đây cũng là một dự án đầy tham vọng, có tiềm năng cách mạng hóa cách sản xuất và tiêu thụ điện năng. Dự án này là ví dụ điển hình về sự đổi mới và cam kết của Bỉ đối với năng lượng tái tạo.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.