Người dân Hà Tĩnh dần hình thành thói quen chi tiêu không cần tiền mặt

(Baohatinh.vn) - Chuyển đổi số trong thanh toán bằng điện tử phát triển nhanh chóng đã giúp người dân Hà Tĩnh không cần mang tiền mặt mỗi khi ra khỏi nhà vẫn có thể mua sắm; chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể sử dụng các dịch vụ một cách thuận tiện.

Kể từ tháng 5/2022, chợ TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Viettel thực hiện chuyển đổi số trong phương thức thanh toán, với mô hình “Chợ 4.0", thanh toán không dùng tiền mặt.

Người dân Hà Tĩnh dần hình thành thói quen chi tiêu không cần tiền mặt

Nhân viên Viettel ra quân triển khai mô hình "Chợ 4.0" tại chợ TP Hà Tĩnh dịp tháng 5/2022. Ảnh tư liệu.

Theo đó, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ được trang bị mã quét QR để người dân thanh toán bằng cách quét mã chuyển khoản hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money. Tiện ích này giúp người dân thoải mái mua sắm mà không lo “quên” mang tiền mặt mỗi khi đi chợ.

Chị Phạm Hương Thảo (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi chợ nếu quên tiền mặt là phải quay về lấy, rất bất tiện, tuy nhiên, kể từ khi các quầy ở chợ TP Hà Tĩnh thực hiện thanh toán bằng điện tử, tôi cảm thấy rất yên tâm, đi chợ lúc nào cũng được, chỉ cần trên tay cầm chiếc điện thoại di động”.

Người dân Hà Tĩnh dần hình thành thói quen chi tiêu không cần tiền mặt

Cán bộ Agribank chi nhánh Hà Tĩnh tặng VietQR cho một hộ kinh doanh tại địa bàn TP Hà Tĩnh.

Kinh doanh cửa hàng thuốc bắc tại chợ TP Hà Tĩnh hàng chục năm nay, ông Trần Văn Thư nhiều lúc cảm thấy mất thời gian khi phải chuẩn bị tiền lẻ để phụ lại tiền thừa cho khách nhưng từ khi dùng mã quét QRcode, ông tiết kiệm được rất nhiều công sức.

Người dân Hà Tĩnh dần hình thành thói quen chi tiêu không cần tiền mặt

Cửa hàng thuốc bắc của ông Trần Văn Thư (chợ TP Hà Tĩnh).

Ông Thư cho biết: "Số khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện tử tại cửa hàng tôi ngày càng tăng lên, hiện chiếm khoảng 50% tổng lượt giao dịch. Ngoài bớt lo chuẩn bị tiền mệnh giá nhỏ để đưa lại tiền thừa cho khách, việc thanh toán qua tài khoản giúp các giao dịch nhanh chóng, chính xác và tiện lợi hơn".

Không chỉ ở thành phố, các vùng nông thôn, các khu, điểm du lịch... trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay, việc giao dịch bằng phương thức thanh toán điện tử đang dần phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người dân lẫn các doanh nghiệp, cửa hàng.

Người dân Hà Tĩnh dần hình thành thói quen chi tiêu không cần tiền mặt

Khách hàng thanh toán bằng phương thức quét mã QRcode tại nhà hàng hải sản Hải Châu (thị trấn Lộc Hà).

Anh Nguyễn Văn An (chủ nhà hàng hải sản Hải Châu ở bãi tắm Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà) cho biết: "Đặc điểm của kinh doanh nhà hàng hải sản mùa cao điểm là lượng khách đông nên doanh thu mỗi ngày rất lớn. Ví dụ như thời điểm kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, mỗi ngày chúng tôi phục vụ khoảng 50 - 60 bàn khách với số tiền thu về hàng trăm triệu đồng. Nếu đơn thuần chỉ nhận tiền mặt như trước đây thì rất cồng kềnh và dễ sai sót trong quản lý. Rất may là sau khi lắp đặt mã quét QR, lượng khách hàng thanh toán qua phương thức chuyển khoản chiếm hơn một nửa. Nhờ đó, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi hơn trong quản lý tài chính của cửa hàng".

Cùng với nhà hàng hải sản Hải Châu, hiện nay, 17/17 nhà hàng kinh doanh tại bãi tắm Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà) đã lắp đặt mã QRcode để nhận phương thức thanh toán từ khách hàng bằng chuyển khoản.

Người dân Hà Tĩnh dần hình thành thói quen chi tiêu không cần tiền mặt

Các nhà hàng hải sản ở bãi tắm Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà) đều đã lắp đặt VietQR

Bên cạnh việc quét mã QR, phương thức chuyển khoản bằng SMS banking được cung cấp từ các ngân hàng cũng đã thành thói quen mua sắm, giao dịch của nhiều người dân. Trong đó, phương thức giao dịch này mang lại nhiều tiện ích cho các tiểu thương.

Theo chị Trần Thị Thảo - Kinh doanh đồ điện tử, gia dụng ở xã Thạch Kim (Lộc Hà), nếu trước đây chị phải ra tận TP Vinh (Nghệ An) lấy hàng và thanh toán trực tiếp thì giờ chỉ cần ngồi ở nhà liệt kê số mặt hàng và thanh toán cho đại lý qua điện thoại, hàng sẽ được gửi về tận nhà.

Người dân Hà Tĩnh dần hình thành thói quen chi tiêu không cần tiền mặt

Một số tính năng trên App Agribank E-Mobile banking của Agribank và SmarBanking của BIDV.

Thời gian qua, việc các ngân hàng triển khai tích hợp các app thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu như: tiền điện, nước, cước internet, viện phí, học phí, chuyển tiền từ thiện, mua sắm trực tuyến... cũng đã giúp người dân có điều kiện thanh toán nhiều dịch vụ không cần dùng tiền mặt. Trong đó, Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam có VCB Digibank, Ngân hàng NN&PTNT có Agribank E-Mobile banking, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có SmarBanking...

Người dân Hà Tĩnh dần hình thành thói quen chi tiêu không cần tiền mặt

Các nhân viên Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh ra quân chiến dịch phủ sóng VietQR.

Theo thống kê từ một số ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh, thời gian gần đây, số lượng khách hàng đăng ký phương thức giao dịch, thanh toán điện tử ngày càng tăng. Trong đó, Agribank chi nhánh Hà Tĩnh hiện đã có 198.283 khách hàng, chiếm hơn 87% tổng khách hàng trên địa bàn tỉnh đăng ký phương thức thanh toán bằng điện tử; có 5.000 tài khoản thực hiện lắp đặt bảng VietQR để giao dịch thanh toán; Vietcombank có 194.537 khách hàng, chiếm khoảng 57% số lượng khách hàng cá nhân tại Hà Tĩnh đăng ký phương thức thanh toán điện tử. Đặc biệt, tỷ lệ đăng ký phương thức này tại Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh từ đầu năm 2023 đến nay chiếm 91% số khách hàng mở tài khoản mới...

Video: Vietcombank giới thiệu tính năng VCB Digibank trên nền tảng số của mình.

Bên cạnh các tiện ích khác, việc nỗ lực giúp người dân hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những kết quả nổi bật của chuyển đổi số. Có được điều đó là nhờ thời gian qua, chính quyền các cấp đã tích cực phối hợp với các ngân hàng và tổ chức đoàn thể tiến hành đẩy mạnh chuyển đổi số tại nhiều địa phương. Trong đó, việc tổ chức các ngày hội chuyển đổi số, các chiến dịch ra quân phủ sóng VietQR... diễn ra rầm rộ, góp phần giúp người dân hiểu hơn về vai trò của chuyển đổi số trong đời sống hiện nay.

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast