Sử dụng phần mềm không bản quyền đem lại rủi ro cho doanh nghiệp

Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị kiện ra tòa, những doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền còn đứng trước rủi ro rất cao bị đánh cắp dữ liệu và thông tin bị tin tặc truy cập trái phép.

Kiểm tra vi phạm bản quyền phần mềm máý tính.

Kiểm tra vi phạm bản quyền phần mềm máý tính.

Cố tình vi phạm

Theo thông tin từ Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, thời gian qua, hàng loạt các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả phần mềm máy tính đã được tiến hành trên cả nước. Điều đáng nói, ngoài các doanh nghiệp trong nước, các đơn vị kinh doanh máy tính, vẫn còn một số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài dù rất hiểu luật pháp nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Đơn cử như cuộc thanh tra gần đây do Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao (C50), Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm, Bộ Công an đã tiến hành tại Công ty TNHH Phát triển JB Steel Engineering Viêt Nam (JB Steel Engineering Development Vietnam), có trụ sở tại tầng 7-8 tòa nhà Đông Dương, số 10, ngõ 52 Phạm Hùng, Hà Nội. Tại đây, lực lượng thanh tra liên ngành đã phát hiện rất nhiều phần mềm không có bản quyền được cài đặt trong 36 máy tính để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Phần lớn các phần mềm vi phạm là những phần mềm thiết kế chuyên dụng của Autodesk như AutoCAD và các phần mềm văn phòng thông dụng của Microsoft.

Đoàn thanh tra cho biết, JB Steel Engineering là công ty 100% vốn của chủ đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm kỹ thuật, gia công phần mềm kỹ thuật kết cấu thép xây dựng để xuất khẩu. Điều đáng nói là một doanh nghiệp gia công để xuất khẩu, đơn vị này nắm rất rõ luật pháp nhưng vẫn cố tình vi phạm vì lợi nhuận trước mắt. Trước những chứng cứ vi phạm, đại diện Công ty TNHH Phát triển JB Steel Engineering Viêt Nam, ông Baik Jea Hyun đã ký vào biên bản thanh tra.

Theo ông Đào Anh Tuấn, đại diện BSA Liên minh phần mềm tại Việt Nam thì chi phí cho phần mềm máy tính chỉ chiếm khoảng 5-6% tổng chi phí của mỗi doanh nghiệp. Ông Tuấn cho rằng đây không phải là con số quá lớn so với chi phí để khắc phục sự cố cũng như rủi ro do sử dụng phần mềm không có giấy phép gây ra.

Đối mặt với rủi ro về pháp luật và an ninh thông tin

Theo ông Đào Anh Tuấn sử dụng phần mềm có giấy phép mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như không phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý, bị xử phạt do hoạt động thanh kiểm tra của các cơ quan thực thi. Hơn nữa, người sử dụng còn nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật bao gồm vá phần mềm bị lỗi, xử lý các sự cố, phần mềm không bị lỗi, không bị cài các ứng dụng gián điệp.

Trong một Điều tra phần mềm Toàn cầu gần đây được công bố, những nhà quản lý CNTT ở các doanh nghiệp trên thế giới cho biết họ rất hiểu những nguy cơ mà phần mềm không có giấy phép có thể gây ra, 64% người sử dụng cho biết việc tin tặc truy cập trái phép là một trong những nguy cơ lớn nhất, trong khi 59% đề cập đến việc mất dữ liệu.

Không chỉ đối mặt với những mối đe dọa bị đánh cắp dữ liệu, bí mật thông thông tin - những giá trị lớn nhất của doanh nghiệp, hành vi sử dụng phần mềm không phép còn đặt doanh nghiệp trước nguy cơ uy tín doanh nghiệp bị hủy hoại và phải đền bù thiệt hại nếu bị kiện ra tòa. Sau vụ kiện ra tòa đầu tiên do vi phạm bản quyền phần mềm vào đầu năm nay, xu hướng xử lý vi phạm quyền tác giả phần mềm máy tính tại tòa án đã được Chính phủ Việt Nam khuyến khích.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, tranh chấp sở hữu trí tuệ thì phải giải quyết bằng tòa án, bởi đó là tài sản nên phải giải quyết ở tòa. Cá nhân ông Thành khuyến khích các doanh nghiệp khởi kiện vì theo ông, đây là cách giải quyết tốt nhất, triệt để nhất.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Ngọc Hoan, quyền Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho rằng song song với việc tuyên truyền pháp luật thì phải có những biện pháp xử lý mạnh mẽ. Ông Hoan cũng khuyến khích các chủ sở hữu quyền tác giả nếu thấy sản phẩm của mình bị xâm phạm thì nên đưa đơn ra tòa dân sự để giải quyết và có thể được bù đắp thiệt hại.

Theo ictnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast