Tốc độ Trái Đất ấm lên chậm lại có thể chỉ là tạm thời

Theo báo cáo của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ và Hiệp hội Hoàng gia Anh vừa công bố, tốc độ ấm lên trung bình của bề mặt Trái Đất chậm lại từ thế kỷ 21 có thể chỉ là tạm thời và về lâu dài, nhiệt độ Trái Đất sẽ lại tăng lên nhanh chóng.

Theo nhận định của các nhà khoa học, xu hướng chậm lại này có thể là hệ quả của việc đại dương hấp thụ nhiều hơi nóng hơn từ bầu khí quyển, nhiệt lượng từ Mặt Trời giảm do bị làn khói ô nhiễm che khuất hay do núi lửa phun trào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Tuy nhiên, dựa trên nhiều đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu năm 2003, tại Nga năm 2010, hay những đợt lạnh chưa từng thấy như tại Mỹ hồi mùa Đông năm nay, các nhà khoa học tin rằng Trái Đất sẽ còn ấm hơn nữa trong thế kỷ này, dẫn tới những đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán và tình trạng nước biển dâng.

Nhiệt độ được dự đoán có thể tăng trong khoảng 2,6 đến 4,8 độ C vào năm 2100 nếu các quốc gia không tích cực hành động nhằm hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu ở Warsaw (Ban Lan) tháng 11/2013, gần 200 quốc gia trên thế giới nhất trí sẽ cho ra đời một hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015.

Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán, chủ yếu do khủng hoảng kinh tế làm giảm mối quan tâm của các quốc gia.

Chuyên gia Brian Hoskins của Đại học Hoàng gia London nhận định rằng mặc dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng, nhưng xu hướng ấm dần lên của Trái Đất trong những thập kỷ qua đã biến đổi theo hình bậc thang thay vì theo chiều hướng đi lên.

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính được thải ra từ hoạt động lao động, sản xuất và sinh hoạt của con người đang khiến bầu khí quyển và đại dương ấm dần lên, nước biển dâng và băng tan ở Bắc Cực.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast