Ứng dụng KH&CN cho nông nghiệp, nông thôn

(Baohatinh.vn) - Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) vào nông nghiệp, nông thôn đã góp phần không nhỏ trong phát triển KT-XH địa phương. Trong 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), KH&CN Hà Tĩnh đã để lại nhiều dấu ấn.

Từ năm 2011 đến nay, có 24 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư từ nguồn sự nghiệp KH&CN gần 10 tỷ đồng. Các đề tài, dự án này chủ yếu tập trung vào việc du nhập, khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các mô hình sản xuất điển hình, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Nhiều giống lúa mới được du nhập vào Hà Tĩnh cho năng suất cao
Nhiều giống lúa mới được du nhập vào Hà Tĩnh cho năng suất cao

Nhiều giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được du nhập và chuyển giao vào sản xuất như HT9, N34, XT28, X33…; lạc L23, L26, L19; đậu xanh ĐX14, ĐXVN7; sắn HTL9; bí xanh tre việt, dưa chuột Nhật Bản… đã góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân. Các đề tài, dự án khoa học cũng đã nghiên cứu nguyên nhân và các giải pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch; tạo lập, xây dựng hệ thống quản lý nhãn hiệu cam bù Hương Sơn; du nhập giống cam chín muộn V2.

Từ kết quả của dự án chăn nuôi lợn hướng nạc theo công nghệ Thái Lan, đến nay, mô hình tiếp tục được nhân rộng toàn tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc tăng năng suất, chất lượng thịt, đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa xuất khẩu. Các nghiên cứu khoa học cũng đã góp phần phát triển nghề nuôi hươu thông qua việc bảo tồn, phát triển đàn hươu và các sản phẩm chế biến từ nhung hươu, xây dựng được thương hiệu. Việc ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chọn tạo con giống, công nghệ nuôi cá lồng bè, nuôi cá trong bể xi măng, nuôi tôm trên cát… được triển khai, nhân rộng, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị nghề nuôi trồng thủy sản tại Hà Tĩnh trong những năm qua.

Cùng với đó, ngành KH&CN đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn như công nghệ lên men vi sinh sản xuất phân bón và các chế phẩm xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường chăn nuôi làm tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tại xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên), Sở KH&CN phối hợp với Liên hiệp các hội KH&KT huyện xây dựng mô hình nhân rộng các giống lúa chất lượng cao N34 và HT6 trong vụ đông xuân 2011-2012 quy mô 10 ha. Mô hình được đông đảo người dân tham gia; năng suất đạt 64 tạ/ha đối với giống HT6, vượt 10-16% so với giống KD 18 được sản xuất đại trà trong vùng, thu nhập tăng 16-18 triệu đồng/ha. Vụ hè thu 2012, Sở phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên triển khai mô hình nhân giống lúa chất lượng cao RVT trên quy mô 21 ha ở thôn 4, xã Cẩm Thăng với gần 200 hộ dân tham gia. Mô hình đã giúp người dân địa phương tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sử dụng giống có chất lượng cao và quy trình sản xuất hạt giống lúa xác nhận. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2-1,3 lần so với sản xuất đại trà trong vùng.

Còn ở xã Sơn Quang (Hương Sơn), Sở KH&CN giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh triển khai mô hình thâm canh giống lạc L23, L26 vụ xuân 2012 quy mô 5 ha. Hơn 100 hộ được tiếp cận với quy trình kỹ thuật thâm canh giống lạc mới; kết quả cho năng suất bình quân 35 tạ/ha; mô hình nuôi ong lấy mật với quy mô 200 đàn đến nay đã nhân được 350 đàn; triển khai xây dựng mô hình trồng cây dược liệu… Các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đáng kể, chính sách phát triển nấm ăn và nấm dược liệu được đặc biệt quan tâm với mục tiêu chính là phát triển nấm thành một ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, có hiệu quả cao và bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tháng 7/2013, Trung tâm Nấm ăn và Nấm dược liệu được thành lập. Giám đốc Trần Đức Hậu cho biết, đến nay, trung tâm đã phối hợp triển khai xây dựng gần 130 mô hình trồng nấm trên toàn tỉnh. Trong đó, trên 50 mô hình lớn, diện tích trên 200 m2, tương đương 8.000-10.000 bịch phôi nấm. Trung tâm cũng đã tổ chức trên 100 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nấm cho bà con nông dân. Mô hình trồng nấm giúp người nông dân tận dụng được phế phụ phẩm nông nghiệp, tranh thủ thời gian nông nhàn để tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư nông thôn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast