Không có cầu, hàng trăm hộ "phó mặc" tính mạng trên 3 con đò nhỏ

(Baohatinh.vn) - Hàng chục năm nay, việc đi lại, sản xuất của hơn 400 hộ dân, hơn 1.000 nhân khẩu ở thôn 7 và thôn 8 thuộc xã Hương Thủy (Hương Khê - Hà Tĩnh) chỉ biết phụ thuộc vào 3 con đò nhỏ. Bất tiện trong sinh hoạt và những nguy cơ tiềm ẩn luôn ám ảnh bà con trên những con đò.

Chuyện người chèo đò

73 tuổi, ông Nguyễn Văn Thực đã gắn bó với nghiệp đưa đò tại bến số 3 xã Hương Thủy hơn 30 năm. Ông Thực cho biết: “Từ năm 1985, tôi đã gắn bó với bến sông này. Thù lao được những người qua sông trả bằng thóc, gạo đã giúp tôi nuôi đàn con khôn lớn. Nay tuổi đã cao, bệnh tật đã làm đau tê nửa người nhưng tôi vẫn không thể rời xa bến sông”.

Ông Nguyễn Văn Thực - người duy nhất có chứng chỉ lái đò - nay đã ngoài 70 tuổi.

Kinh phí được quy ra thóc khiến cuộc sống của ông luôn khó khăn. Năm 2016, đoàn từ thiện Phước Thạnh (Sài Gòn) ngỏ ý giúp ông một mái nhà và con giống chăn nuôi nhưng ông từ chối. Mọi người nói ông khùng, nhưng ông chỉ cười rồi xin 1 con đò mới thay thế cho cái đã rách nát, vừa để làm chỗ trú ngụ, vừa làm phương tiện giúp bà con sang sông.

Ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết: “Phương tiện đi lại chủ yếu là những chuyến đò ngang nhưng thực tế trên địa bàn chỉ có ông Thực có chứng chỉ lái đò. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, cách nhìn trời, nhìn con nước nên những chuyến đò của ông luôn cập bến an toàn”.

Cũng nhờ sự nhiệt tình, cái tâm của ông nên việc đi lại của bà con tiện lợi dù đêm hôm hay khi mưa phùn, gió bấc, khi nước sông lên hay xuống.

Đối mặt hiểm nguy

Xã Hương Thủy bố trí 3 bến đò phục vụ bà con thôn 7 và 8. Tuy nhiên, cơn bão số 2 đầu năm đã cuốn trôi bến số 2 cùng với con đò. Mọi việc đi lại của người dân giờ trông chờ vào 2 bến với 2 con đò nhỏ. Nhưng ở bến số 1, do không có ai tình nguyện lái đò nên người dân thay phiên nhau.

Những chuyến đò không đảm bảo an toàn luôn là nỗi lo của người dân trong mùa mưa lũ.

Một ngày được bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc vào 17h30’. Vì thế, nếu người dân cần qua sông gấp vào ban đêm thì rất khó khăn. Nhiều người phải vòng lên bến số 3 hoặc đi đường vòng, cách xa cả chục km. Cùng với khó khăn này, nỗi lo lắng mỗi lần qua sông luôn thường trực.

Anh Phạm Văn Cầu, người đưa đò cho biết: “Cứ chia nhau ra như thế mà làm chứ chúng tôi làm gì có chứng chỉ lái đò. Nhiều nhà, đàn ông đi thay cho mẹ, cho vợ, chứ có nhà các mẹ và các chị cứ đến phiên mình là lại ra bến sông làm nhiệm vụ”.

Theo chị Nguyễn Thị Chuyên (thôn 7): “Bất tiện nhất là những ngày mùa, mọi thứ từ phân tro, giống, rồi sản phẩm thu hoạch của 400 hộ dân đều phải qua lại bằng đò. Chuyện bà con rơi cả người, cả xe máy, đồ đạc xuống sông cũng là bình thường. Mới đây, có trường hợp rơi cả người và bình gas xuống sông”.

Nguy hiểm hơn cả là những chuyến đưa đón học sinh qua sông. Em Phạm Thị Trà My - Trường Tiểu học Hương Thủy cho biết: “Nhiều bạn đi học bị rơi xuống sông, may mà được cứu kịp thời. Riêng em có lần bị rơi cặp xuống, sách vở ướt hết, phải nghỉ học một hôm”.

Để khắc phục tình trạng trên, xã đã cử 7 người đi học để được cấp chứng chỉ lái đò, nhưng chế độ của người lái đò là do bà con trong thôn góp lại trả vào ngày mùa. Vì vậy, 7 người có chứng chỉ thì đã 6 người bỏ lái.

Không chuyên môn nghiệp vụ, không phương tiện bảo hộ nhưng hàng ngày, trên sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hương Thủy, những chuyến đò ngang thô sơ vẫn đều đặn rời bến. Người dân vẫn phải qua lại vì cuộc sống mưu sinh và nguy cơ tiềm ẩn trên những chuyến đò vẫn là nỗi lo thường trực. Họ vẫn luôn mong ngóng 1 cây cầu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói