Dự báo trưa và chiều nay không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác trong tỉnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 11, từ chiều nay khu vực có mưa, mưa rào rải rác.
Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3, cấp 4, có lúc cấp 5, vùng ven biển cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8.
Bố mẹ trẻ cần mặc ấm, đeo khẩu trang cho con nhỏ khi ra khỏi nhà. Ảnh: Công Luận
Vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết biến đổi bất thường. Nhiệt độ giảm đột ngột kèm theo nhưng cơn gió lạnh đầu mùa, khiến cho cơ thể trẻ khó thích nghi kịp.
Chuyển mùa cũng là lúc các dịch bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tay chân miệng, cúm, đau mắt đỏ… bùng phát mạnh bởi vi khuẩn, virus, nấm mốc có điều kiện sinh sôi, nảy nở, lây lan rất nhanh. Nguyên tắc vàng để giữ gìn sức khỏe của trẻ trong thời kỳ này là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài
Đeo khẩu trang không chỉ giúp cản bụi bặm khi ra ngoài đường mà còn giúp ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Vì thế, tập thói quen đeo khẩu trang từ nhỏ rất có lợi cho sức khỏe của trẻ. Đặc biệt trong lúc giao mùa, nhiều bệnh dịch, đeo khẩu trang sẽ bảo vệ trẻ khỏi sự lây nhiễm trực tiếp từ không khí, nước bọt, dịch đường mũi họng…
Mặc quần áo phù hợp
Thời tiết lúc giao mùa có thể biến đổi từ lạnh sang nóng, từ nắng đến mưa chỉ ngay trong một ngày… do vậy bố mẹ nên chuẩn bị áo quần thích hợp cho bé. Bởi nếu mặc ấm quá thì trẻ sẽ ra mồ hôi nhiều mà mặc phong phanh thì cũng dễ bị cảm lạnh, ho, sốt….
Nên nếu trẻ đến trường, trong balo của trẻ cần có quần áo của cả 3 mùa, áo khoác khi đi đường, bộ dài tay nếu trời trở lạnh, bộ ngắn tay nếu trời nóng lên.
Quần áo khi đi ngủ cũng là điều cần lưu ý. Tùy thời tiết và nhiệt độ phòng mà bố mẹ điều chỉnh cho con nhưng tốt nhất là nên mặc đồ cotton thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, không để hở cổ và hở bụng.
Bổ sung dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những bí quyết quan trọng cho trẻ được khỏe mạnh. Đặc biệt trong thời điểm giao mùa, bệnh dịch tràn lan, bố mẹ càng cần chú ý đến thực đơn hàng ngày của con. Bữa ăn một ngày của con nên có : ít nhất 1 cốc nước cam, 1 bữa hoa quả, 1 hộp sữa chua. Đặc biệt, các loại thực phẩm mà trẻ thường thích ăn như ruốc tôm sú, mắm tép chưng thịt hay pate phải là các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh. Khuyến cáo nên chọn loại sản phẩm không chứa chất bảo quản và nguyên liệu 100% sạch.
Tăng cường các thực phẩm có chứa kẽm và selen - 2 vi chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống ngon miệng, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất, ví dụ: thịt bò, hàu sữa, đậu nành, giá đỗ, bí đỏ, lạc, phô mai, thịt ức gà, tôm, cua….
Vận động ngoài trời
Tự thích ứng là cơ chế tuyệt vời nhất của cơ thể con người và bố mẹ hoàn toàn có thể rèn luyện cho con. Nếu sợ ốm mà giữ con trong nhà thì trẻ càng yếu ớt và dễ mắc bệnh. Hãy tạo điều kiện cho trẻ làm quen với sự thay đổi của thời tiết bằng cách thường xuyên cho trẻ vận động ngoài trời (đi bộ hàng ngày, đi chơi công viên…)