Sản phẩm "ế khách", nhiều hộ dân Thạch Hưng bỏ nghề làm bánh đa nem

(Baohatinh.vn) - Giảm công suất 50%, thậm chí nhiều hộ bỏ nghề đi xuất khẩu lao động hoặc lên thành phố làm lao động tự do là thực trạng phổ biến của nhiều hộ sản xuất bánh đa nem ở Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh) hiện nay.

Mấy năm gắn bó với nghề sản xuất bánh đa nem, nguồn vốn mà gia đình chị Phan Thị Loan (thôn Trung Hưng) tích góp được chẳng đáng là bao. Công việc vất vả, song thu nhập thấp nên chị đã quyết định bỏ nghề để xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Chị Loan cho hay: “Công việc đòi hỏi tỉ mẩn, nhiều công đoạn, gia đình phải thuê thêm nhân lực để bóc bánh nên lợi nhuận còn lại không đáng kể. Nhất là hiện nay, giá điện tăng cao tất yếu hoạt động sản xuất càng gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, tôi đành phải xuất ngoại”.

Sản phẩm “ế khách”, nhiều hộ dân Thạch Hưng bỏ nghề làm bánh đa nem

Thiếu thương hiệu, khả năng cạnh tranh thấp khiến bánh đa nem Thạch Hưng gặp khó trong tiêu thụ

Theo các hộ sản xuất bánh đa nem ở Thạch Hưng, thời điểm trước Tết Nguyên đán, thị trường sôi động thì ngày công tính ra được 200 ngàn đồng/người nhưng hiện nay chỉ được khoảng 150 ngàn đồng. Nguồn thu này quá thấp so với sức lao động bỏ ra nên nhiều người không mặn mà gắn bó với nghề truyền thống bao năm để lại.

Ngoài ra, bế tắc về đầu ra sản phẩm cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều hộ sản xuất không thể bám trụ với nghề. Chị Nguyễn Thị Thái (thôn Trung Hưng) - một hộ dân sản xuất bánh đa nem lâu năm ở xã Thạch Hưng chia sẻ: "Trước đây, bánh đa nem sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Có khi xay bột làm bánh cả tháng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Tuy vậy, khoảng hai năm nay, sức mua giảm hẳn, khoảng dăm bảy ngày nhà tôi mới làm một mẻ, mỗi mẻ chỉ vài ba yến nguyên liệu mà cũng rất khó tiêu thụ".

Sản phẩm “ế khách”, nhiều hộ dân Thạch Hưng bỏ nghề làm bánh đa nem

Xã Thạch Hưng hiện chỉ còn hơn một nửa số hộ tham gia sản xuất bánh đa nem so với trước

Bà Trần Thị Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Hưng cho hay: "Hoạt động sản xuất nay trầm lắng hơn trước rất nhiều. Toàn xã hiện có 29 máy sản xuất bánh đa nem nhưng chỉ sản xuất khoảng 50% công suất. Thậm chí, đã có nhiều chị em bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động ở Thái Lan, Hàn Quốc… hoặc lên thành phố tìm kiếm việc làm mới. Nếu như thời điểm trước tết Nguyên đán có trên 150 hộ sản xuất thì nay chỉ còn khoảng 80 hộ tham gia".

Cũng theo bà Thanh, sản phẩm bánh đa nem của Thạch Hưng khó khăn trong tiêu thụ là bởi những năm gần đây, nhiều địa phương của TP. Hà Tĩnh (Thạch Đồng, Thạch Quý, Đại Nài) và huyện Thạch Hà (Thạch Văn, Thạch Đỉnh, Thạch Trị...) đồng loạt sản xuất bánh đa nem nên thị phần của xã Thạch Hưng cũng bị ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, phần lớn bánh đa nem Thạch Hưng còn thiếu thương hiệu. Bánh sau khi sản xuất, qua tay thương lái là thành hàng trăm "tên tuổi" khác nhau nên chưa để lại dấu ấn cho người tiêu dùng.

Sản phẩm “ế khách”, nhiều hộ dân Thạch Hưng bỏ nghề làm bánh đa nem

Đầu tư công nghệ sản xuất bánh đa nem khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm là giải pháp tạo sự phát triển bền vững cho bánh đa nem Thạch Hưng. Trong ảnh: Dây chuyền sấy sản phẩm của hộ anh Trương Quang Dũng

Theo nhiều ý kiến, đầu tư công nghệ sản xuất bánh đa nem khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm được xem là giải pháp để tạo sự phát triển bền vững cho bánh đa nem Thạch Hưng.

Ông Nguyễn Chính Đàn - Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết: "Sản xuất bánh đa nem là ngành nghề kinh tế chủ lực lâu năm của địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn như hiện nay, chính quyền địa phương và người sản xuất mong muốn thành phố Hà Tĩnh xem xét, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ ngành nghề sản xuất bánh đa nem để tạo động lực cho người dân giữ nghề và phát triển nghề theo hướng hiện đại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối, tìm kiếm đối tác tiêu thụ”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast