Chơi gụ hay còn gọi là cù, quay là trò chơi dân gian được lưu truyền phổ biến ở nhiều vùng đất nước vào những thập kỷ 70, 80, 90 của thế kỷ trước. Ngày nay, trò chơi này vẫn được trẻ em một số vùng quê lưu giữ và giải trí cùng nhau sau giờ học, trong những buổi chăn trâu, cắt cỏ...
Muốn có gụ chơi tất phải đẽo bằng tay. Tuỳ từng giai đoạn và từng vùng mà hình dáng con gụ được đẽo khác nhau nhưng nhìn chung có 3 phần: thân gụ, đinh quay và mấu để quấn dây. Mỗi khi tìm được khúc gỗ tốt, những đứa trẻ thôn quê sẽ mượn dao, búa của cha mẹ và với bàn tay khéo léo của mình sẽ bắt đầu "dọn cỗ" cho bữa tiệc trò chơi của mình.
Nhìn những đứa trẻ tay thoăn thoắt đẽo gọt, đóng đinh tôi lại nhớ hình ảnh những anh chị trong xóm thời xa xưa. Cứ tầm giữa ngọ, một vài nhóm lại hẹn nhau ra một con ngõ chặt chặt, đẽo đẽo. Nhóm làm gụ, nhóm làm nộ cao su... rồi rủ nhau chơi xôn xao cả xóm nghèo...
Bước vào cuộc chơi là những cú quăng dây. Quăng điệu nghệ và dứt khoát thì con gụ sẽ quay quay tít, đồng thời phát ra âm thanh vu vu như gió mà nếu nhìn gần thì nó như đang được đặt đứng tại chỗ trên mặt đất.
Dưới bàn tay của người chơi điệu nghệ, con gụ sẽ ở trạng thái "ngủ lịm". Còn khi người chơi chơi dở thì những người còn lại sẽ nói: "Càng vố càng vu, chẻ tu càng tít" (nghĩa là càng nhiều vết lõm càng kêu to, không quay bằng đinh quay mà quay bằng đầu càng được nhiều vòng). Đây là sự tự an ủi hoặc an ủi người chơi khác khi con quay bị nhiều vết lõm do con quay khác đánh thậm chí đầu gụ bị nứt, sứt mẻ.
Khi ra tay không chuẩn xác, con gụ sẽ không đứng thẳng mà quay nghiêng rồi nhanh chóng dừng lại. Gụ là trò dễ chơi mà không tốn kém. Tiếc là nó không còn xuất hiện nhiều ở các làng quê Hà Tĩnh từ nhiều năm nay.