Sân khấu Hà Tĩnh đang bị chững cả trong sáng tác và biểu diễn, là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm
Sân khấu Hà Tĩnh hình thành vào năm 1969, từ đó đến nay, đã có sự phát triển mạnh về đội ngũ tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ biểu diễn. Trong đó, nhiều tác giả đã có những vở kịch xuất sắc, đạt được nhiều giải thưởng chuyên ngành. Đặc biệt, nhà viết kịch Phan Lương Hảo đã được nhận giải thưởng Nhà nước.
Nhà văn Đức Ban – Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh: Hội LH VHNT và Chi hội Hội nghệ sỹ sân khấu Hà Tĩnh phải có quy hoạch, kế hoạch thực hiện nhằm phát triển sân khấu Hà Tĩnh
Trên lĩnh vực sân khấu kịch, có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng như: Chiếc cày ông Tư, Mai Thúc Loan, Cô Tám (Phan Lương Hảo); Đốm lửa núi Hồng (Thế Kỷ); Cỗ đầu người, Bao xi măng (Đức Ban); Trái tim phế liệu, Vết sẹo (Phan Trung Hiếu); Chuyện ông Phó Cối (Nguyễn Ban); Mảnh đất trắng (Minh Chính)…
Trên lĩnh vực múa cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh như: Tay chài, vai súng, Ngọn roi trâu, Lựu đạn gỗ….
Nhạc sỹ Mạnh Chiến - Trưởng ban chuyên ngành sân khấu biểu diễn: Sân khấu Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ bị mai một cả về tác giả kịch bản lẫn diễn viên
Chi hội Hội Nghệ sỹ sân khấu Hà Tĩnh hiện nay có 17 hội viên. Tại buổi gặp mặt, các nghệ sỹ cũng thẳng thắn nhìn nhận, sân khấu Hà Tĩnh những năm qua hoạt động cầm chừng, chủ yếu phát triển ở lĩnh vực múa và các hoạt cảnh, tiểu phẩm; thiếu kịch ngắn, kịch dài, một số vở kịch viết ra nhưng không được biểu diễn; chưa có sự đầu tư trong dàn dựng các vở múa…
Nghệ sỹ múa Thanh Mai: Các đơn vị chuyên môn cần có sự liên kết trong dàn dựng và biểu diễn các vở múa
Tại buổi gặp mặt, một số tác giả, nghệ sỹ nêu lên những băn khoăn về thực trạng sân khấu hiện nay và đề xuất một số giải pháp như: Hàng năm cần tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu; xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển sân khấu; có kế hoạch động viên, khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, khuyến khích phong trào biểu diễn kịch trong văn nghệ quần chúng; các đơn vị chuyên môn cần có sự liên kết trong dàn dựng và biểu diễn; tiếp tục đưa dân ca ví giặm vào các vở diễn múa rối, kịch ngắn, kịch dài…