Làm rõ mô hình về khu hành chính tập trung

Trong khi dự án Luật Quản lý tài sản công duy trì 2 mô hình về trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước là khu hành chính tập trung và trụ sở làm việc độc lập thì nhiều đại biểu Quốc hội nghiêng về xây dựng mô hình khu hành chính tập trung.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quản lý, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, các tài sản khác gắn với đất phục vụ hoạt động quản lý của của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là một nội dung của dự án Luật Quản lý tài sản công do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 này.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Quốc hội sáng nay 31/10, khu hành chính tập trung là tổ hợp trụ sở làm việc được quy hoạch và xây dựng tập trung tại một khu vực để bố trí cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng sử dụng.

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi phí hành chính và thuận tiện trong giao dịch cho các tổ chức và công dân; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu hiện đại hóa công sở; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; phù hợp với định hướng biên chế được phê duyệt và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc.

Vẫn theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nguồn kinh phí xây dựng khu hành chính tập trung được bố trí từ nguồn thu do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc tại vị trí cũ và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật; các cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí trụ sở làm việc tại khu hành chính tập trung có trách nhiệm bàn giao lại trụ sở làm việc tại vị trí cũ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung (giao một bộ làm đầu mối quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan Nhà nước thuộc Trung ương; mỗi tỉnh, thành phố giao một đầu mối để quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan Nhà nước thuộc địa phương) nhằm tăng cường hiệu quả trong đầu tư, bố trí sử dụng, khả năng điều hòa tài sản Nhà nước và hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước như hiện nay. Mô hình quản lý này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một số ý kiến nhất trí với Dự thảo luật tiếp tục duy trì thực hiện quản lý trụ sở làm việc theo mô hình phân tán như hiện nay, song đề nghị rà soát, bổ sung quy định về các biện pháp, chế tài đối với những cơ quan, đơn vị sử dụng trụ sở không đúng mục đích, đầu tư lãng phí, không phù hợp với công năng, nhu cầu sử dụng. Trong trường hợp ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư trụ sở làm việc không đáp ứng được yêu cầu, cho phép áp dụng hình thức đầu tư đối tác công - tư (điểm c khoản 4 Điều 30 của Dự thảo luật) để huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư, thỏa mãn nhu cầu về trụ sở làm việc phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Về quan điểm chung của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng dù là theo loại gì thì phải có mô hình cụ thể, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tăng cường tối đa tính công khai, minh bạch để mang lại hiệu quả cao nhất, tránh xây dựng phô trương, hình thức, lãng phí, không công bằng trong khi có những công trình khác cần thiết, cấp bách hơn cần được xây dựng để phục vụ nhân dân.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ mô hình của khu hành chính tập trung thì mới áp dụng thực hiện. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nêu ví dụ thành phố Đà Nẵng xây tòa tháp khu hành chính tập trung “thấy thì hay đấy nhưng giờ ai cũng muốn "thoát" khỏi tòa nhà này vì không bảo đảm không khí thì ai phải chịu trách nhiệm cho quyết định đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng này?”.

Do đó, muốn ra được “mẫu số chung” cho khu hành chính tập trung, đại biểu Khánh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Công an nên bàn bạc về ưu, nhược điểm, cách thức tổ chức quản lý của mô hình này, tránh việc phân cấp cho địa phương thực hiện, “mạnh ai người đấy làm” sẽ không ổn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) nêu tình trạng có việc các bộ, sở, ngành không muốn “ngồi” chung một nhà, như cách đây nhiều năm, Chính phủ đã quy hoạch cơ quan đại diện của các bộ tập trung tại khu cao ốc số 5 Lê Duẩn (TPHCM) nhưng không thành công vì cơ quan đại diện nào cũng muốn có trụ sở riêng. Bà Tâm cho rằng “xây dựng khu hành chính tập trung mới cần thiết cho quản lý và tiết kiệm”.

Trong khi đó, theo bà Tâm, nhiều trụ sở, kho bãi của cơ quan đại diện các bộ ở Thành phố này “không sử dụng, 20 năm qua bỏ trống” mà TPHCM lại rất bí bách trong xây dựng trường học, các thiết chế văn hóa. Vị đại biểu này cũng đề nghị Luật phải có chế tài đủ mạnh để thu hồi lại đất đai, trụ sở, tài sản của Nhà nước sử dụng không hiệu quả.

Vào tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 2128/TTg-KTN ngày 24/11/2015, chỉ đạo các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm.

Từ đầu năm tới nay, lãnh đạo Chính phủ cũng có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các bộ và địa phương rà soát lại các kế hoạch xây dựng khu hành chính tập trung ở tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và việc thực hiện Công văn số 2128 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quốc Thanh/chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói