Làm rõ vướng mắc trong quản lý, đầu tư từ Quỹ Bảo trì đường bộ

(Baohatinh.vn) - Phiên chất vấn đầu tiên của Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII sáng nay (12/12) nhận được 7 ý kiến của các đại biểu với trọng tâm xung quanh việc Quỹ bảo trì đường bộ ngày càng giảm và nạn trâu bò thả rông. Tuy chưa thật tỏ tường, nhưng phần trả lời của tư lệnh ngành GTVT cũng làm sáng rõ băn khoăn của đại biểu.

Bất cập trong sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ

Về câu hỏi Quỹ bảo trì đường bộ ngày càng giảm, vận hành phức tạp, gây khó khăn cho công tác bảo trì, duy tu, Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ cho biết, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo trì ngày càng giảm: Đối với đường tỉnh từ 56 tỷ đồng (năm 2014) xuống 5 tỷ đồng (năm 2017); đối với đường GTNT giảm từ 51 tỷ đồng (năm 2014) xuống 10 tỷ đồng (năm 2017). Do nguồn vốn dành cho công tác bảo trì hàng năm ít nên hiện nhiều tuyến đường GTNT xuống cấp nghiêm trọng.

Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ

Đại biểu Đoàn Đình Anh - Tổ đại biểu Cẩm Xuyên yêu cầu làm rõ thêm nguyên nhân vì sao Quỹ Bảo trì đường bộ vận hành chưa nhịp nhàng. Với thực trạng xuống cấp nghiêm trọng hiện nay, vài năm nữa không đủ tiền để làm lại những tuyến đường đã có, đại biểu Đoàn Đình Anh đề nghị có giải pháp khả thi hơn về huy động nguồn lực cho công tác duy tu, bão dưỡng các tuyến đường.

Đại biểu Anh còn chất vấn quan điểm của ngành GTVT sẽ ưu tiên trước hết nguồn vốn cho công trình xây dựng mới hay cho việc duy tu, bảo dưỡng những tuyến đường đã có?

Đại biểu Đoàn Đình Anh

Trả lời đại biểu Đoàn Đình Anh, Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện Văn phòng của Quỹ Bảo trì đường bộ đang trực thuộc Quỹ Đầu tư và phát triển, trong đó cán bộ Văn phòng chủ yếu chuyên ngành Tài chính, không có chuyên môn về GTVT. Trong khi lãnh đạo Sở GTVT chỉ là Phó Chủ tịch Hội đồng Quỹ, chịu trách nhiệm về chuyên môn giao thông nên sự phối hợp có lúc chưa thực sự nhịp nhàng, hiệu quả. Mô hình này hiện đang có nhiều ý kiến cần xây dựng lại phù hợp hơn.

Khẳng định sự quan tâm hàng đầu của ngành đối với nhiệm vụ bảo trì đường bộ, Giám đốc Sở GTVT cho hay, nếu được bố trí nguồn lực, ngành sẽ ưu tiên đầu tư cho việc duy tu bão dưỡng các tuyến đường xuống cấp.

Giải trình thêm về những lo ngại của đại biểu Đoàn Đình Anh và các đại biểu về nguồn lực quỹ bảo trì đường bộ ngày càng giảm, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Sơn nêu 4 nguyên nhân chính: phí giao thông đường bộ giảm; việc khai thác quỹ bảo trì đường bộ ngày càng được kiểm soát chặt chẽ; công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường tỉnh, đường huyện được phân cấp theo ngân sách địa phương; nguồn thu ngân sách ngày càng giảm.

Để khắc phục những khó khăn này, tư lệnh ngành Tài chính đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho giao thông; tiếp tục đề xuất Trung ương cho sử dụng ngân sách bão lụt để duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông và tiếp tục hỗ trợ nguồn; triển khai quyết liệt Thông tư 60/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ; sử dụng hiệu quả các dự án ADB; tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc sử dụng các tuyến đường…

Quy trách nhiệm người đứng đầu trước nạn trâu bò thả rông

Quan tâm đến thực trạng trâu bò thả rông cản trở giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng cho người, phương tiện lưu thông, các đại biểu: Bùi Nhân sâm - Tổ đại biểu Can Lộc, Nguyễn Huy Hùng - Tổ đại biểu Lộc Hà và Lê Ngọc Huấn - Tổ đại biểu Hương Khê cùng yêu cầu nêu rõ các giải pháp quản lý, xử phạt hành chính để hạn chế thực trạng này.

Đại biểu Nguyễn Huy Hùng

Giám đốc Sở GTVT cho biết, các giải pháp phối hợp quản lý giữa ngành và chính quyền các địa phương đối với vấn đề này trước đây chưa hiệu quả, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các cấp chính quyền cơ sở chưa vào cuộc. Sau những vụ tai nạn nghiêm trọng do trâu bò thả rông trên đường xảy ra trong các tháng 9, 10 vừa qua, ngành đã làm việc với chính quyền các huyện và trực tiếp các xã có tình trạng thả rông trâu bò trên đường để làm rõ trách nhiệm và triển khai các giải pháp quản lý quyết liệt hơn.

Về giải pháp xử phạt hành chính đối với thực trạng này, Giám đốc Sở GTVT cho biết, các địa phương đang tăng cường xử phạt đối với những vi phạm; ví dụ như huyện Vũ Quang vừa qua đã phạt 100 trường hợp với số tiền 4 triệu đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay khá thấp (200 ngàn/lần vi phạm), chỉ mang tính răn đe, nhắc nhở là chính. Quan trọng nhất là phải tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân.

Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ

Hiện chúng ta chưa có các tuyến đường tránh, đường hầm chui cho trâu bò lưu thông, vì vậy, người chăn dắt có trách nhiệm giám sát, quản lý gia súc của mình lưu thông trên lề đường, tránh lấn chiếm lòng đường gây ách tắc, tai nạn giao thông. Bên cạnh đó gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã và thôn đối với nhiệm vụ quản lý tình trạng trâu bò thả rông trên địa bàn mình.

Khép lại phiên chất vấn sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định: Giao thông là đòn bẩy giúp kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, ngoài xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch thì công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng là vấn đề hết sức cần thiết.

Theo đó, cần tăng cường, chủ động trong công tác quản lý nhà nước và phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan. Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính cần có sự thống nhất trong việc lựa chọn mô hình quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 6.

“Vướng mắc ở đâu phải xử lý đến đó. Vấn đề quan trọng là tổ chức quản lý ra sao để thực sự hiệu quả”, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Về nạn trâu bò thả rông, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, lãnh đạo ngành phải làm rõ việc tại sao các chỉ thị, văn bản của tỉnh chỉ đạo về vấn đề này chưa được thực hiện nghiêm, có hiệu quả ở cơ sở. Phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, gắn trách nhiệm với các đơn vị, địa phương, cá nhân, nhất là xử lý nghiêm túc, nâng cao tính răn đe.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói