Lần đầu tiên phát hiện vi nhựa trong máu người

Các nhà khoa học phân tích mẫu máu từ 22 người trưởng thành khỏe mạnh và tìm thấy vi nhựa trong 80% số mẫu.

Lần đầu tiên phát hiện vi nhựa trong máu người

Các hạt vi nhựa trên ngón tay người. Ảnh: Pcess609/iStock

Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học phát hiện vi nhựa trong máu người, Interesting Engineering hôm 24/3 đưa tin.

Các hạt tí hon được tìm thấy trong gần 80% người tham gia thử nghiệm, theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Environmental International.

Những hạt tí hon này có thể di chuyển tự do khắp cơ thể và mắc kẹt trong các cơ quan, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các nhà khoa học đang theo dõi để tìm hiểu toàn bộ phạm vi ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Một số cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm đã cho thấy vi nhựa gây hại cho tế bào người. Việc các hạt ô nhiễm trong không khí xâm nhập vào cơ thể người cũng liên quan đến hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Một lượng lớn rác thải nhựa đang phân tán trong môi trường và vi nhựa xuất hiện phổ biến khắp thế giới, từ những ngọn núi cao nhất đến những vực sâu nhất dưới Thái Bình Dương.

Thức ăn và nước uống có thể chứa hạt vi nhựa, thậm chí không khí mà con người hít thở cũng có thể đưa chúng vào cơ thể. Những hạt nhỏ của vật liệu tổng hợp cũng được tìm thấy trong chất thải của người lớn và trẻ em.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học kiểm tra mẫu máu từ 22 người trưởng thành khỏe mạnh và 17 người có hạt vi nhựa trong cơ thể. Nhựa PET, loại nhựa thường dùng cho chai nước uống, được tìm thấy trong một nửa số mẫu phân tích. 1/3 số mẫu chứa polystyrene, loại nhựa dùng cho bao bì thực phẩm và các sản phẩm khác. 1/4 số mẫu chứa polyethylene, vật liệu chính của các loại túi nhựa.

“Nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy chúng ta có các hạt polymer trong máu. Đó là một kết quả đáng chú ý. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải mở rộng nghiên cứu và tăng kích thước mẫu, tăng số lượng polymer được đánh giá và thực hiện nhiều công việc khác”, nhà độc tố sinh thái Kick Vethaak, giáo sư tại đại học Vrije Universiteit Amsterdam (Hà Lan), cho biết.

Vethaak cho rằng phát hiện mới rất đáng quan tâm. “Các hạt vi nhựa có hiện diện và được vận chuyển khắp cơ thể”, ông nói.

Nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra, hàm lượng vi nhựa trong phân của trẻ sơ sinh nhiều gấp 10 lần người lớn. Nguyên nhân có thể liên quan đến việc cho ăn bằng bình nhựa. Trong quá trình này, trẻ em có thể nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày. “Chúng ta cũng biết rằng nhìn chung, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ tổn thương hơn khi tiếp xúc với các hạt và chất hóa học. Điều này khiến tôi vô cùng lo lắng”, Vethaak chia sẻ.

Nghiên cứu mới sử dụng những kỹ thuật hiện có theo cách mới để kiểm tra các hạt nhỏ đến 0,0007 mm, với một số mẫu máu chứa nhiều hơn hai loại nhựa. Kết quả có thể không chính xác nếu sử dụng vật liệu thí nghiệm bằng nhựa. Do đó, nhóm chuyên gia sử dụng kim tiêm kết hợp với ống thủy tinh để loại trừ khả năng nhiễm bẩn.

“Câu hỏi lớn đặt ra là lượng nhựa dồi dào này ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể người. Hạt vi nhựa có được giữ lại trong cơ thể không? Chúng có di chuyển đến một số cơ quan nhất định, ví dụ như vượt qua hàng rào máu - não không? Liệu lượng vi nhựa này có đủ cao để gây bệnh? Chúng ta rất cần tài trợ cho các nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu những vấn đề đó”, Vethaak nhận định.

Theo Thu Thảo/VNE (Interesting Engineering)

Đọc thêm

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

4 công trình đến từ 10 nhà khoa học trên thế giới đã vượt qua gần 1.500 đề cử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 4,5 triệu USD. Nhiều công trình, từ ý tưởng đến giải thưởng danh giá là quãng thời gian gần cả đời người với hành trình kiên trì vượt qua thử thách, định kiến và cả những thất bại để tận hiến cho khoa học và sự tiến bộ nhân loại.
Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.