Lan tỏa những mô hình dân vận khéo ở Can Lộc

(Baohatinh.vn) - Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, phong trào dân vận khéo ở Can Lộc (Hà Tĩnh) được triển khai rộng khắp, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Từ một vài mô hình tiên phong, giờ đây, cam Thượng Lộc đã xây dựng được thương hiệu, trở thành cây mang lại giá trị kinh tế cao cho các xã vùng trà sơn (ảnh tư liệu)

Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Viết Chuân cho biết: “Theo chỉ tiêu của huyện, mỗi năm, một đơn vị đăng ký xây dựng từ 2 - 5 mô hình dân vận khéo. Nhưng từ yêu cầu thực tiễn, trung bình mỗi năm, Thượng Lộc xây dựng được từ 10-15 mô hình, chủ yếu trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Từ việc nghiên cứu xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, trang bị giống, kiến thức khoa học cho bà con, mô hình dân vận khéo trồng cây ăn quả ở Thượng Lộc đã từng bước phát huy hiệu quả. Từ một vài hộ tiên phong, đến nay đã có hàng trăm hộ thay đổi cuộc sống nhờ cây cam. Cam Thượng Lộc đã có mặt khắp các xã vùng trà sơn như: Sơn Lộc, Mỹ Lộc, Quang Lộc, Gia Hanh…, mang lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ dân.

Cùng với tinh thần thi đua ở các địa phương, phong trào xây dựng mô hình dân vận khéo cũng được các cơ quan, đơn vị lồng ghép tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Với các cấp hội phụ nữ, xây dựng mô hình gia đình “5 không, 3 sạch”, chung tay mua bảo hiểm y tế, gây quỹ hoạt động, đặc biệt là mô hình xây dựng quỹ giúp nhau phát triển kinh tế thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Mô hình tiết kiệm của Hội LHPN cũng đã được các cấp hội triển khai linh hoạt, phù hợp, thu hút đông đảo hội viên tham gia

Theo chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN huyện Can Lộc: “Cán bộ hội các cấp đã sâu sát, làm tốt công tác vận động, hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình điểm và lan tỏa cách làm tới đông đảo hội viên. Việc triển khai cũng dựa trên thực tế của từng địa phương và tâm tư nguyện vọng của hội viên, tạo niềm tin đối với chị em.

Trong số các mô hình đã xây dựng, mô hình dân vận khéo trong gây quỹ giúp nhau phát triển kinh tế ở Can Lộc không chỉ tạo sự khởi sắc rõ nét trong đời sống của chị em mà còn nâng cao tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt tại cơ sở. Đến thời điểm này, 212 chi hội phụ nữ tại 23 xã, thị trấn thuộc huyện Can Lộc đã thành lập được tổ tín dụng tiết kiệm do các cấp hội chỉ đạo. Với hình thức huy động nguồn vốn tại chỗ, hoặc thành lập nhóm để bảo lãnh giúp nhau cho vay, các cấp hội đã thu hút hơn 2.700 thành viên tham gia tổ tín dụng tiết kiệm với nguồn dư nợ gần 15 tỷ đồng, giúp hàng trăm hội viên thoát khỏi đói nghèo. Từ hoạt động này, mối quan hệ đoàn kết gắn bó của hội viên trên địa bàn dân cư ngày càng thắt chặt.

Hiệu quả của mô hình tổ an ninh tự quản ở Thanh Lộc cũng đã lan tỏa ở nhiều xã trên địa bàn

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bùi Thị Kiều Nhi cho hay: “Với phương châm hướng về cơ sở, phong trào thi đua dân vận khéo ở Can Lộc được triển khai trên nhiều lĩnh vực như: Văn hóa xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh, QPAN, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Việc xây dựng các mô hình thiết thực, gắn với thực tiễn hoạt động, đồng thời kết quả được đánh giá dựa trên những tiêu chí đánh giá cụ thể gắn với biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình để làm cơ sở rút kinh nghiệm và nhân rộng. Với cách làm này, các mô hình dân vận khéo ở Can Lộc duy trì được tính bền vững, hiệu quả, tránh hình thức.

Trung bình mỗi năm, toàn huyện xây dựng mới từ 120 - 130 mô hình dân vận khéo. Sự phát triển bền vững và sức lan tỏa của các mô hình khẳng định phong trào thi đua dân vận khéo ở Can Lộc đã thực sự đi vào cuộc sống, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đón nhận.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói