Sáng 4/8, UBND thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn tổ chức lễ công bố Nghị quyết đặt tên đường và gắn biển tên đường tại thị trấn Phố Châu.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Viết Trường và lãnh đạo huyện Hương Sơn tham dự buổi lễ.
Theo đó, tuyến đường mang tên danh nhân - lão thành cách mạng Trần Chí Tín được đặt tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn có chiều dài 0,75 km, rộng 12m (điểm đầu là Trường Mầm non thị trấn Phố Châu (TDP7) đến điểm cuối là đường Trần Kim Xuyến (TDP 10).
Danh nhân Trần Chí Tín sinh năm 1898 – mất năm 1987, quê ở xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn. Là một giáo viên tiểu học ở Thịnh Xá (nay là xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn) trong giai đoạn giặc Pháp đô hộ nước ta, ông Trần Chí Tín đã sớm giác ngộ cách mạng. Tháng 6/1927, ông gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng (sau đổi thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Một thời gian sau, ông được chỉ định làm Bí thư Đảng Tân Việt của huyện Hương Sơn. Tháng 3/1930, ông là một trong 3 người thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Trường Tiểu học Sơn Châu, cũng là chi bộ đầu tiên của huyện Hương Sơn.
Ngay sau khi chi bộ Đảng ra đời, ngày 1/5/1930, chi bộ đã tổ chức cắm cờ đỏ trên rú Nầm (xã Sơn Châu) và rải truyền đơn khắp huyện, kêu gọi đồng bào vùng dậy chống chế độ thực dân, phong kiến. Ông Trần Chí Tín là người trực tiếp rải truyền đơn ở xã Sơn Ninh và Sơn An (nay là xã An Hòa Thịnh). Ông là Ủy viên Ban vận động huyện Hương Sơn để đấu tranh với chế độ thực dân, phong kiến về kinh tế và chính trị.
Khi phong trào đã được phát triển rộng rãi, chi bộ Đảng tiếp tục lãnh đạo quần chúng biểu tình lên huyện đòi yêu sách. Ngày 22/9/1930, từ 1h sáng, tiếng mõ làng Tứ Mỹ (xã Sơn Châu xưa) vang rền thúc giục Nhân dân các làng xã bên cạnh tập hợp thành từng hàng tiến về Phố Châu. Đoàn biểu tình bao vây, phá cổng xông vào huyện đường. Trong sự kiện này, lính Pháp đã bắn chết 6 người, làm bị thương nhiều người.
Tháng 10/1930, ông Trần Chí Tín triệu tập các đảng viên họp tại làng Bình Hòa (xã Sơn Hòa), nay thuộc xã An Hoà Thịnh bàn kế hoạch khôi phục phong trào, đề xuất thành lập Huyện ủy lâm thời để lãnh đạo toàn dân chống đế quốc phong kiến. Hội nghị nhất trí cử ông Trần Chí Tín làm Bí thư Huyện ủy lâm thời.
Mặc dù hoạt động bí mật nhưng Huyện ủy lâm thời đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hương Sơn trấn áp kẻ thù, rải truyền đơn, tổ chức chống đói cho đồng bào, chuẩn bị cho việc thành lập Huyện ủy chính thức.
Tháng 9/1931, ông Trần Chí Tín bị giặc bắt, giam ở đồn Phố Châu. Chúng dùng nhiều thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc, dọa nạt đến tra tấn cực hình, bỏ đói, đem cả cha già đến để hòng lung lạc ý chí nhưng ông vẫn khôn khéo giữ bí mật cho Đảng, cắn răng chịu đòn roi, không khai bất kỳ điều gì. Mãi đến tháng 9/1933, địch mới thả ông ra và cho về dạy học ở Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên).
Sau thời gian âm thầm hoạt động để khôi phục phong trào, tập hợp quần chúng, năm 1939, ông bắt được liên lạc với tổ chức. Tháng 7/1941, ông trở về Hương Sơn dạy học, tiếp tục hoạt động cách mạng, cùng các đảng viên nòng cốt liên kết với Việt Minh liên tỉnh ở Nghệ An, lãnh đạo Nhân dân vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hương Sơn vào ngày 19/8/1945.
Sau khi giành được chính quyền, tháng 9/1945, ông được Đại hội đại biểu Huyện Đảng bộ bầu làm Bí thư Huyện ủy. Thời gian sau, ông được điều sang quân đội làm chính ủy trung đoàn cho đến lúc nghỉ hưu và mất vào năm 1987 tại Sơn Châu.
Với nhiều thành tích trong hoạt động cách mạng, ông Trần Chí Tín được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Cũng trong sáng nay, huyện Hương Sơn công bố quyết định đặt tên đường Lê Mậu Tài tại TDP 10, thị trấn Phố Châu. Đường Lê Mậu Tài có chiều dài 0,255 km, chiều rộng 12m. Danh nhân Lê Mậu Tài sinh năm Bính Thìn 1616, mất năm Giáp Tuất 1694, tại thôn Kim Sơn, huyện Gia Lâm, nay là xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Việc đặt tên đường đảm bảo tương xứng với từng địa danh, tên tuổi và công lao cống hiến của các vị danh nhân trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng của dân tộc, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, tình yêu quê hương cho các tầng lớp Nhân dân, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng của địa phương.