Nghề đan ở Hà Tĩnh: Còn mây tre thì còn nghề!

(Baohatinh.vn) - “Mẹt Đan Trung, rá Hội Cát, dần Tri Khê" là câu nói truyền miệng từ bao đời về những sản phẩm tinh xảo của làng nghề thủ công mây, tre, đan thuộc các xã Thạch Sơn, Thạch Long, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Không biết nghề đan có từ bao giờ, chỉ biết nghề đan ở Thạch Sơn, Thạch Long đã được truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nghề truyền thống đậm nét văn hóa của làng quê nơi đây. Dưới đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người dân, những thân mây, thân tre vô tri đã trở thành những sản phẩm gợi nhiều cảm xúc và mang lại thu nhập tốt cho người dân trong vùng.

Nghề đan ở Hà Tĩnh: Còn mây tre thì còn nghề!

Ông Nguyễn Văn Tam, xóm Hội Cát (Thạch Long) là người có kinh nghiệm đan lát trong làng

“Mẹt Đan Trung, rá Hội Cát, dần Tri Khê” - mỗi làng một sản phẩm đặc trưng nhưng đều có điểm chung là sự chỉn chu trong từng mối đan, là công sức lao động công phu, tỉ mỉ của người thợ. Mỗi sản phẩm đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo bắt đầu từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Đó phải là những cây tre thẳng, không quá già hoặc quá non và thưa đốt để khi đan không bị gãy, dễ dàng trong việc lận vành. Cây tre mang về ngâm, rồi đốn khúc, chẻ nhỏ vót chuốt trơn tru, độ dài rộng tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, mục đích của người đan.

Nghề đan ở Hà Tĩnh: Còn mây tre thì còn nghề!

Mỗi sản phẩm đều có điểm chung là sự chỉn chu trong từng mối đan

Bàn tay đang thoăn thoắt những mối đan, ông Nguyễn Văn Tam (thôn Hội Cát, xã Thạch Long) cho biết: "Khó nhất trong các công đoạn chính là lúc lận vành. Khâu này vừa đòi hỏi sự khéo léo và đôi bàn tay chắc khỏe, vừa phải là người có kinh nghiệm thì sản phẩm mới chắc chắn, bền đẹp, không bị cong vênh... Công việc này chủ yếu do những người đã có nhiều năm kinh nghiệm đan lát đảm nhiệm".

Nghề đan ở Hà Tĩnh: Còn mây tre thì còn nghề!

Dẫu không còn là đồ gia dụng chiếm vị trí “độc tôn” như ngày trước nhưng những vật dụng thủ công bằng mây tre đan vẫn có chỗ đứng riêng cho mình.

Sản phẩm của làng đan Thạch Long, Thạch Sơn không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà còn theo chân người làng đan đến các chợ lân cận. Dẫu không còn là đồ gia dụng chiếm vị trí “độc tôn” như ngày trước nhưng những vật dụng thủ công bằng mây tre đan vẫn có chỗ đứng riêng.

Bà Hoàng Thị Chương (thôn Đan Trung, xã Thạch Long) bộc bạch: “Nhiều năm gần đây, những vật dụng thủ công từ mây tre không được ưa chuộng, vì vậy, sản phẩm chúng tôi làm ra giá cả không đáng là bao. Chỉ vào mùa thu hoạch nông sản, sản phẩm thủ công được dùng nhiều nên giá có cao hơn một chút. Vì vậy, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chúng tôi đan, sau đó phơi sấy rồi cất lên chỗ cao ráo đến mùa thu hoạch mang đi bán".

Nghề đan ở Hà Tĩnh: Còn mây tre thì còn nghề!

Dãy hàng của chị Hiền đa dạng sản phẩm thủ công phục vụ người mua.

Sản phẩm của các làng đan ở Thạch Sơn, Thạch Long còn được bày bán quanh năm ở Chợ TP Hà Tĩnh. Trong khi nhiều người lựa chọn hàng nhựa, hàng inox thì vẫn có rất nhiều người thành phố yêu thích các sản phẩm gần gũi với thiên nhiên.

Chị Nguyễn Thị Hiền - tiểu thương tại Chợ TP Hà Tĩnh cho biết: "Hiện nay, sản phẩm của cửa hàng tôi không chỉ phục vụ nông dân sử dụng trong mùa màng mà nhiều người còn lựa chọn làm vật dụng trong nhà hoặc trang trí ở các không gian bán cổ điển. Tôi hy vọng, trong xu hướng bảo vệ môi trường, gần gũi với thiên nhiên như hiện nay, các sản phẩm mây tre đan sẽ thu hút khách hàng nhiều hơn nữa".

Nghề đan ở Hà Tĩnh: Còn mây tre thì còn nghề!

Vào vụ mùa, thúng, mủng làm đến đâu bán hết đến đó

Từ nghề chính, mây tre đan ở Thạch Long, Thạch Sơn đã trở thành nghề phụ. Dẫu nhiều người đã bỏ nghề nhưng cũng vẫn còn nhiều gia đình mặn mà với nghề đan. Với họ, mây tre còn thì nghề đan còn. Đó không đơn thuần chỉ là chuyện miếng cơm manh áo mà còn là văn hóa của làng, là giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ của cha ông mà họ có trách nhiệm gìn giữ.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast