Những ngày này, khi trời bắt đầu chuyển dần sang mùa hạ, cũng là lúc công việc sản xuất nước mắm của chị Lê Thị Hồng (thôn Thành Yên, xã Xuân Thành) trở nên vất vả, tất bật hơn. Được biết tới là loại nước mắm thơm ngon, đậm đà, không sử dụng chất bảo quản, nên sản phẩm của gia đình chị không chỉ người dân địa phương tin dùng mà còn được rất nhiều khách hàng ngoại tỉnh đặt hàng.
Sản phẩm nước mắm truyền thống Hà Tĩnh đang được nhiều người tin dùng
Gắn bó với nghề sản xuất nước mắm truyền thống đã 15 năm nay, trong đó có hơn 10 năm học và làm tại làng nghề nước mắm Hải Giang 1 (thị xã Cửa Lò, Nghệ An), chị Hồng chia sẻ: “Không phải ai cũng hiểu được hết cái vất vả của nghề này. Người làm nghề không ngày nào được nghỉ, thường xuyên phải làm việc dưới cái nắng gắt vùng biển, vì có được nắng thì nước mắm mới ngon.”
Ở Xuân Thành, hiện có hàng chục hộ sản xuất nước mắm. Trong đó, nhiều hộ sản xuất theo hướng hàng hóa, cung cấp sản phẩm cho khu du lịch. Để có thể sản xuất ra những chai nước mắm thơm ngon, chất lượng, tạo nên “thương hiệu”, người dân Xuân Thành phải cẩn trọng lựa chọn loại cá tươi, ngon, chưa qua ướp đá, sử dụng muối sạch và đủ liều lượng.
Cá sau khi rửa sạch, được trộn đều với muối và cho vào bể ủ, dùng đá đè lên trên để nén. Ngày lại ngày, phần nước “cốt” sẽ được tách riêng khỏi phần “bã” và phơi bằng ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, mỗi nhà đều có những bí quyết riêng để tạo nên hương vị, màu sắc riêng cho sản phẩm của mình.
Các công đoạn từ chọn nguyên liệu, sơ chế cá, ủ muối, phơi nắng, tránh mưa… đều được tiến hành tỉ mẫn
Cá cơm để muối nước mắm thường được thu mua của những ngư dân địa phương, còn những hộ sản xuất lớn như chị Hồng còn phải nhập thêm nguyên liệu từ cảng cá Thạch Kim, Quỳnh Lưu… Quy trình để làm ra được nước mắm nguyên chất kéo dài hàng năm trời nên mỗi lần chị Hồng phải thu mua từ 1,5-3 tấn cá, ủ theo từng đợt để có sản phẩm bán quanh năm.
Các công đoạn từ chọn nguyên liệu, sơ chế cá, ủ muối, phơi nắng, tránh mưa… đều được chú trọng từng khâu. Cần mẫn như vậy suốt một năm dài, những giọt nước mắm đầu tiên mặn mòi hơi biển cả mới được thu hoạch. Từ đó mới đem lọc, đóng chai và xuất bán tới tay người tiêu dùng. Vậy nên, sản phẩm của chị cũng như các hộ gia đình sản xuất khác tại Xuân Thành luôn được nhiều người tin dùng.
Mỗi năm, nghề truyền thống mang về cho gia đình chị Hồng nguồn thu nhập 200-250 triệu đồng; các hộ làm quy mô nhỏ hơn đạt thu nhập 70-100 triệu đồng.
Nhiều khách hàng, khách du lịch đã tìm đến tận cơ sở sản xuất để chọn cho mình những chai nước mắm truyền thống thơm ngon
Hiện nay, sản phẩm nước mắm Xuân Thành đang được bày bán tại nhiều cửa hàng tạp hóa ở chợ địa phương, chợ Vinh (Nghệ An) và được nhiều cửa hàng, khách sạn lựa chọn sử dụng chế biến. Ngoài ra, vào mùa du lịch, du khách còn tìm tới tận nơi, trực tiếp lấy nước mắm từ bể ủ. Nhờ đó, hương vị nước mắm truyền thống Xuân Thành đã được chắp cánh bay xa. Đây cũng chính là tiền đề để Xuân Thành xây dựng thương hiệu nước mắm truyền thống trong tương lai, nhằm tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn.