Đến khu nướng cá trong cụm công nghiệp Thạch Kim những ngày cuối năm, mùi cá nướng xen lẫn mùi khói than củi thơm nức mũi. Trong các lò nướng, hàng chục phụ nữ đang xoay mình bên những lò than hồng rực; những bàn tay thoăn thoắt đưa cá lên vỉ nướng, lật từng con để cá chín đều, một cách chuyên nghiệp.
Nướng cá là nghề lâu đời của ngư dân xã Thạch Kim. Trước đây, các hộ dân chủ yếu nướng cá tại nhà riêng, từ năm 2018, Cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim được xây dựng, thì hầu hết các hộ chuyển về đây hoạt động.
Cá để nướng có rất nhiều loại như nục, trích, cơm, thu... Để nướng những mẻ cá chín đều, thịt bên trong thơm ngọt, người nướng phải có sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn.
Từ 3h sáng, các hộ dân đã ra cảng Thạch Kim để thu mua cá. Cá mua về được sơ chế qua, loại bỏ những con hỏng, sau đó rửa sạch. Đối với các loại cá to như: cá chim, cá nục, chị em dùng thanh tre nhỏ xuyên từ đầu đến bụng để con cá trong quá trình nướng không bị gãy.
Tiếp theo, người dân đưa cá ra phơi nắng để khô, hết nước, thời gian phơi từ 2 tiếng đến 3 tiếng tùy thuộc vào loại cá.
Cá sau khi phơi đủ nắng sẽ được đưa vào nướng.
Cá sắp lên bếp nướng được làm từ hai thanh sắt, dài khoảng 1m, cách lớp than được rải đều phía dưới khoảng 40cm.
Ngoài việc chọn cá tươi thì công đoạn nướng, lật, trở cá như thế nào là những yếu tố quyết định độ ngon, độ hấp dẫn của cá. Để làm được điều này đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm.
Là người có thâm niên nướng cá gần 15 năm, chị Nguyễn Thị Hương (SN 1976) chia sẻ: “Cá nướng từ 10-15 phút là ngon nhất, nướng phải đều tay, nếu không cá sẽ chín không đều. Phần đầu cá khó nướng nhất, phải nướng thật kĩ, cá nướng bằng than củi mới mang lại mùi vị thơm ngon”.
Cá được nướng chín đạt tiêu chuẩn sẽ có màu cánh gián.
Cá nướng Thạch Kim không chỉ tiêu thụ ở Hà Tĩnh mà còn được mua làm quà tặng gửi cho người thân từ Bắc đến Nam. Những thời điểm dịp tết hay ngày đầu năm mới lượng khách mua hơn ngày thường rất nhiều.
“Làm nghề nướng cá khá là cực nhọc, phải dậy sớm và bận bịu suốt ngày, người chỉ toàn là mùi cá nhưng có thu nhập ổn định” - bà Nguyễn Thị Loan (SN 1971), một người có kinh nghiệm nướng cá gần 20 năm, chia sẻ.
Hiện nay toàn xã có khoảng 40 hộ dân đang làm nghề nướng cá, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động.
Dự kiến, trong năm 2024, Thạch Kim sẽ làm hồ sơ đề nghị công nhận nướng cá là nghề truyền thống, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động 5-10 hộ dân đang ở trong khu dân cư vào tập trung trong cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim.
Ông Phạm Duy Khánh
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim