Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh trao Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho lãnh đạo xã Xuân Đan.
Đền Bà Bơ còn có tên gọi khác là đền Cô Bơ. Trong tâm thức của người dân xã Xuân Đan từ xưa tới nay, đây là vị thánh mẫu được yêu mến và kính trọng, luôn gắn bó với đời sống tinh thần của người dân.
Đền Bà Bơ tọa lạc trên khuôn viên 350 m2 tại thôn Song Giang. Theo thánh tích của làng, xã Đan Tràng thời xưa (nay là 2 xã Xuân Đan, Xuân Trường) là vùng đất hoang vu, gồm những cồn cát lẫn những lùm cây nhỏ. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề bắt cá ven sông và trồng trọt, cuộc sống quanh năm nghèo khó. Vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, có một người phụ nữ từ phương Bắc đến xin chọn vùng đất này làm nơi định cư, có tên là Bà Bơ.
Người dân dâng hương tại đền Bà Bơ
Thấy bà có dung nhan, đức độ, hiền hậu, các vị chức sắc bô lão trong làng đồng ý cho bà hòa nhập vào cộng đồng dân cư của làng để sinh sống. Sau một thời gian, bà xin chọn một địa điểm, sát bến đò để tổ chức mua bán trao đổi hàng hóa trong làng và trong vùng, ngày càng phát triển có tiếng của tổng Đan Hải.
Từ một phụ nữ xa xứ đến ngụ cư, bà đã gây dựng, phát triển kinh tế cho một vùng quê nghèo để truyền và phát triển nghề buôn bán cho người dân làng Đan Tràng nói riêng, tổng Đan Hải nói chung. Sau khi bà qua đời, người dân lập đền thờ ngay tại vị trí đầu tiên lập chợ, tôn bà là phúc thần, thánh mẫu, bảo hộ cho người dân trong vùng.
Đền Bà Bơ tại thôn Song Giang
Do nhiều yếu tố lịch sử, chợ Bà Bơ đã dời đến nhiều địa điểm trên địa bàn xã, nhưng dù ở đâu, đây vẫn là trung tâm thông thương buôn bán không chỉ của địa phương mà còn của các xã: Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội. Cho đến nay, chợ vẫn giữ nguyên tên gọi là chợ Bà Bơ.
Đền Bà Bơ là một minh chứng cụ thể về sự phát triển tín ngưỡng thờ mẫu của người dân làng Đan Tràng. Đền Bà bơ còn là nơi bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tín ngưỡng thờ mẫu trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.