Lãnh đạo Sở VH-TT&DL và huyện Can Lộc trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho đại diện dòng họ
Nguyễn Vũ Thông (tên chữ Huy Thuật tiên sinh), sinh đầu thế kỷ XVIII, tại ấp Phúc Ngưu, làng Phúc Lộc, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay thuộc thôn Phúc Yên, xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh).
Xuất thân trong một gia đình thuộc dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu giàu truyền thống khoa cử và tham gia quan trường, ông là chắt nội của cử nhân, Bố chánh Nghệ An xứ Nguyễn Công Trân, cháu nội của Tri tổng Nguyễn Công Hoàn, con của quan Khán thú Nguyễn Công Huỳnh; hai nhân vật: La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp và Đình nguyên Thám hoa Phan Kính là chắt ngoại của cụ Nguyễn Công Trân.
Con cháu dòng họ cùng nhân dân địa phương rước bằng công nhận di tích...
Nguyễn Vũ Thông sinh vào giai đoạn chế độ quân chủ Việt Nam lâm vào giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh; tham gia quan trường dưới thời trị vì của các chúa Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Ông luôn giữ được khí tiết của một vị quan thanh liêm, tận trung với nước.
Theo gia phả của chi tộc và một số tài liệu hiện còn lưu giữ, Nguyễn Vũ Thông được sung vào Đội ưu binh, làm nhiệm vụ bảo vệ phủ Chúa Trịnh, được Chúa trọng dụng, nhiều lần được thăng chức, với các chức quan Thuật Tài, Đội trưởng Đội Nhưng Nhất ưu binh…
Trên cương vị các chức quan đảm nhiệm, Nguyễn Vũ Thông không chỉ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ triều đình mà còn nhiều lần phò vua và phò chúa ra chiến trường đánh giặc bảo vệ biên ải và đều hoàn thành xuất sắc phận sự được giao, lập nhiều công trạng góp phần bình định đất nước và hai lần được vua ban sắc phong chức.
... về nhà thờ Nguyễn Vũ Thông
Nhà thờ chi tộc Nguyễn Công Trân gắn với danh nhân Nguyễn Vũ Thông xây dựng vào nửa đầu thế kỷ thứ XVIII. Qua nhiều lần tôn tạo, hiện nay nhà thờ có hai khối kiến trúc (Thượng điện và Hạ điện) theo phong cách cổ tự phương Đông, chất liệu bằng gỗ, gạch, ngói.
Đây là nơi thờ tự các bậc tiền nhân của chi tộc Nguyễn Công Trân, trong đó, nhiều người thành đạt trong khoa bảng, quan trường và có công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc thế kỷ thứ XVIII-XIX, trong đó nhiều vị được các triều vua đương thời ban sắc phong chức tước hoặc ghi nhận công lao,
Trải qua thời gian, chiến tranh phá hoại và do 1 lần bị cháy vào khoảng giữa thế kỷ XIX nên các tư liệu sắc phong chức tước của các bậc tiền nhân không còn. Nhà thờ chỉ còn lưu giữ gia phả, văn cúng các bậc tiền nhân của chi tộc bằng chữ Hán - Nôm; hai sắc phong, hai ống quyển và hộp đựng sắc; đại tự, thần vị; hoành phi, câu đối; đòn khiêng võng của Nguyễn Vũ Thông khi ông cùng vua, chúa ra trận và một số tư liệu, hiện vật khác.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu