Nghề may đo Hà Tĩnh “lách mình” giữa làn sóng đồ hiệu

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhãn hàng thời trang tại thành phố Hà Tĩnh đã khiến nghề may đo đắt khách một thời rơi vào trạng thái ế ẩm. Trong hoàn cảnh đó, nhiều thợ may đã khéo léo tìm cho mình một lối đi, dẫu thu nhập thấp nhưng vẫn có thể sống với nghề…

Nghề may đo Hà Tĩnh “lách mình” giữa làn sóng đồ hiệu

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhãn hàng thời trang cùng với các chương trình giảm giá hấp dẫn là nguyên nhân khiến nghề may rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Đã qua rồi cái cảnh ngày nào cũng tấp nập khách ra vào, 3, 4 thợ phụ không làm xuể phải thuê thêm thợ gia công ở nhà. Thay vào đó là cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Những tiệm may nổi tiếng một thời ở thành phố Hà Tĩnh hiện nay đều “tinh giản biên chế” chỉ để lại 1 thợ phụ hoặc không thuê thợ và tiệm thì cũng ngày đóng ngày mở. Trong đó, nhiều thợ may lành nghề đã phải bỏ kim chỉ, tìm việc làm khác.

Chị Hương – chủ tiệm may Yến Hương ở phường Nam Hà cho biết: “Trước đây, thời điểm giao mùa và đầu năm học mới là lúc chúng tôi bận rộn nhất nhưng hiện nay lượng khách đến may đo giảm đi quá nửa. Sự ảnh hưởng đó xuất phát từ thực tế ngày càng có nhiều nhãn hàng thời trang, cửa hiệu quần áo may sẵn được mở ra. Hơn nữa, các nhãn hàng và cửa hiệu này lại thường chạy chương trình giảm giá sâu vào đúng thời điểm giao mùa nên khách hàng thường mua sẵn”.

Nghề may đo Hà Tĩnh “lách mình” giữa làn sóng đồ hiệu

Để thu hút và giữ chân khách hàng, chị Yến Hương phải thường xuyên cập nhật mẫu mới và nghiên cứu cách cắt may đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng

Trước tình trạng đó, để thu hút khách hàng, chị Yến Hương đã bỏ tiền ra mua vải và may những mẫu quần áo theo xu hướng thời trang mới treo mẫu trong tiệm. Chị cũng dành thời gian tham khảo nhiều mẫu áo váy trên mạng và nghiên cứu cách cắt may để đáp ứng yêu cầu về mẫu mã của khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng đến may đồ tại hiệu may của chị vẫn không thể tấp nập như thời trước. Có chăng là những người không thích khuôn mẫu, sợ bị “đụng hàng” hoặc là những người quá béo, quá gầy, không mặc được đồ may sẵn.

Chị Phan Thanh Hương ở phường Hà Huy Tập cho biết: “Trước đây, để may được một cái áo, cái váy phải chờ đợi cả tuần, thậm chí hai, ba tuần mà thợ may còn hẹn lần, hẹn lữa. Nay chỉ cần ra các cửa hiệu thời trang là có thể sắm ngay cho mình một bộ cánh. Không chỉ có thế, chất liệu đồ của các nhãn hàng như Elise, Ivy, Ivy Moda, Eva de Eva… “ăn đứt” vải mua ở chợ. Các nhãn hàng này cũng thường chạy chương trình sale 30%, 50%, 70%, thậm chí đồng giá nên tôi thường đợi mùa sale để mua sắm”.

Nghề may đo Hà Tĩnh “lách mình” giữa làn sóng đồ hiệu

Lựa chọn may gia công theo đơn đặt hàng hoặc may sẵn để bán đang là giải pháp khá hữu hiệu được nhiều tiệm may lựa chọn.

“Lách mình” giữa làn sóng ưa chuộng đồ hiệu, để tồn tại, một số tiệm chuyển sang nhận may gia công theo đơn đặt hàng của một số cửa hàng, quầy hàng thời trang ở chợ trung tâm thành phố. Hoặc tệ hơn nữa là nhận thay khoá, sửa chữa quần áo. Chị Hà - chủ một tiệm may ở chợ trung tâm thành phố cho biết: “Nhận may gia công theo đơn đặt hàng tuy thu nhập thấp hơn nhưng đổi lại tôi vẫn duy trì được nghề của mình và vẫn có thể nuôi được thợ. Đó cũng là một may mắn, bởi không phải ai cũng tìm được mối để may gia công như tôi”.

Nghề may đo Hà Tĩnh “lách mình” giữa làn sóng đồ hiệu

Nhiều tiệm may níu chân khách hàng bằng cách nhập về các loại vải mới, có chất lượng tốt và trả hàng đúng hẹn

Là một tiệm may có sức sống khá mạnh mẽ hiện nay, ngoài sự khéo léo, sáng tạo của người thợ, nhà may Chung ở thị trấn Thạch Hà lại có những “chiêu” giữ chân khách khá độc đáo. Cùng với việc liên tục cập nhật mẫu mới, chị Chung còn nhập về nhiều loại vải chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng. Đặc biệt, chị luôn giao đồ đúng hẹn, khi có yêu cầu, còn giao đồ tận nhà miễn phí cho khách hàng. Chính vì thế, khách hàng của chị không chỉ bó hẹp trên một địa bàn mà từ các vùng lân cận như thành phố Hà Tĩnh, Can Lộc… cũng tìm đến.

Có thể nói, sự xuất hiện của các nhãn hàng thời trang thương hiệu Việt với mẫu mã đa dạng, chất liệu tốt mà giá cả lại phải chăng đã tạo nên làn sóng áp đảo nghề may đo ở thành phố Hà Tĩnh. Dẫu một số tiệm vẫn đứng vững nhờ tìm được lối đi riêng nhưng con số đó không nhiều. Và bởi vậy, cũng không quá lời nếu nói rằng, nghề may đo ở Hà Tĩnh đang trong cơn “hấp hối”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast