Để có tiền mua sắm dịp tết, bà Chính (thôn Trung Thiên, Thiên Lộc, Can Lộc) đã xen canh nhiều loại rau trên diện tích hơn 3 sào ruộng.
Hơn 2 tháng nay, anh Nguyễn Văn Thành (thôn Phái Nam, Thạch Lâm, Thạch Hà) đã trở thành khách ngụ cư tại tỉnh Đắk Lắk. Với mong muốn, tết đến, con cái có thêm áo đẹp, nhà sắm sửa thêm vật dụng, anh đã vào Tây Nguyên để hái cà phê thuê.
Qua điện thoại, anh cho biết: “Hiện giờ, ở Đắk Lắk cũng đã rảnh việc, mình đã xuống Nha Trang đi xây nhà và làm tường rào cùng với mấy người bạn. Khoảng 20-25 tháng Chạp sẽ về, để còn kịp sắm sửa tết nhất”.
Với hoàn cảnh vợ bị bệnh hiểm nghèo, hàng tháng phải thuốc thang chạy chữa, 3 đứa con tuổi ăn học, anh Thành gánh trên mình nhiều nỗi lo toan...
Cũng như anh Thành, bác Tuấn và anh Quang quê ở miền Bắc cũng ngày ngày đẩy xe giày, dép cũ dọc các tuyến đường ở TP Hà Tĩnh để bán. “Mỗi ngày chỉ bán được dăm bảy đôi, lời lãi cũng không được nhiều, song cũng phải cố gắng để còn về Bắc lo tết với gia đình” - bác Tuấn tâm sự.
Hai người đàn ông quê ở miền Bắc miệt mài trên các con đường ở thành phố Hà Tĩnh mong bán được nhiều đôi giày để về quê ăn tết.
Là người phụ nữ quê ở miền núi Hương Long (Hương Khê) về làm dâu tại thị trấn Nghèn, chị Cao Thị Sương hiểu được nhu cầu lá dong ở miền xuôi. “Năm nào cũng vậy, gần tết, em về mua lá dong trên quê mang xuống đây bán. Năm nay, em đã đặt hàng rồi nhưng chưa đi lấy. Em cũng chỉ kiếm ít đồng lấy công làm lãi để mua cho con bộ áo quần và lo thực phẩm tết. Làng quê em trên đó có dăm bảy bác năm nào cũng lấy lá dong về bán tết. Tầm tháng 11 âm là họ đã đi lấy rồi. Đi lấy lá này vất vả lắm, phải chui xuống những hố sâu, cây dong mọc nhiều. Dưới đó rất ẩm, nhiều vắt, người lấy lá dong thường bị ướt sũng vì nước dưới hố và đọng trên lá” - chị Sương cho hay.
Không thể lặn lội kiếm tiền nơi đất khách, bà Phan Thị Chinh, 55 tuổi (thôn Trung Thiên, Thiên Lộc, Can Lộc) lại chăm chỉ trên đồng rau chờ tết. Trên diện tích hơn 3 sào ruộng cao cưỡng, bà phân luống rau cải sen, hành, tỏi, kiệu.
“Nhà bác còn 3 người, thu nhập chủ yếu từ lúa và rau. Giờ đến tết chỉ chăm vào mấy luống rau này. Bữa nay, bắt đầu bán cải sen, ít bữa nữa thì bán 3 luống hành, giáp tết thì nhổ bán 4 vồng kiệu. Để đắt hàng phải lên chợ Nghèn, bán cho người dân thị trấn. Ông bà già nên chỉ làm túc tắc vậy kiếm tiền tiêu tết chứ biết nhìn vào đâu. Con cái thì còn có gia đình của nó...” - bà Chinh trò chuyện.
Được biết, để nhà nhà đều có tết, trong đó, tập trung là quan tâm những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tính toán trích hơn 1 tỷ đồng từ “Quỹ vì người nghèo” để làm quà tết cho hơn 2.000 đối tượng. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tài chính trích ngân sách 1,15 tỷ đồng cấp cho các địa phương, đơn vị để bố trí kinh phí tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội dịp tết Nguyên đán.