Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia phiên thảo luận tổ
Thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, Phó trưởng đoàn phụ trách Nguyễn Văn Sơn đồng tình với việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần phải xác định rõ cơ chế đảm bảo quyền lực và quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường công tác hành chính quản lý đô thị.
Đồng thời, trong dự thảo nên quy định “Ủy ban hành chính” thay vì quy định “Ủy ban nhân dân” tại các phường. Lý giải về đề nghị này, đại biểu cho rằng nếu các phường không tổ chức HĐND thì không thể tổ chức UBND, chỉ nên quy định Ủy ban hành chính.
Đối với việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, về cơ bản đại biểu tán thành với dự thảo luật, khẳng định thời gian qua, Luật Tổ chức Quốc hội đã phúc đáp được những yêu cầu của thực tiễn. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng tham gia thêm một số nội dung xung quanh vai trò, vị trí của ĐBQH, cơ cấu tổ chức của các ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc, kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH…
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị dự thảo luật cần nêu rõ vai trò, vị trí của ĐBQH. Từ đó khẳng định được tiếng nói, quyền lực của ĐBQH tại địa phương.
Trước hết, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần nêu rõ vai trò, vị trí của ĐBQH. Từ đó khẳng định được tiếng nói, quyền lực của ĐBQH tại địa phương. Đối với ĐBQH chuyên trách, cần tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, giảm hợp lý số lượng ĐBQH kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Luật cần quy định rõ vai trò, vị thế của ĐBQH chuyên trách, nâng cao số lượng (trên 35%) cũng như chất lượng của ĐBQH chuyên trách.
Thứ hai, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị dự thảo luật quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và Ủy viên Thường trực, đồng thời có các đại biểu chuyên trách trong Hội đồng dân tộc.
Thứ ba, về kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 43 và Khoản 1, Điều 101, đề nghị quy định theo hướng kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH do ngân sách trung ương bảo đảm. Vì Đoàn ĐBQH là tổ chức trực thuộc của Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ chức năng của Quốc hội, vai trò, vị trí, trách nhiệm hoạt động trên phạm vi toàn quốc, chỉ thực hiện một phần nhiệm vụ tại địa phương.
Ngoài ra, nếu ngân sách địa phương đảm bảo thì HĐND mỗi tỉnh thực hiện theo cách khác nhau, dẫn đến sự thiếu thống nhất, không đồng đều giữa các địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động chung của Quốc hội. Vì vậy, đề nghị bổ sung kinh phí hoạt động của Quốc hội bao gồm “Tổng thư ký và Ban thư ký Quốc hội” và “Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Còn ngân sách địa phương chỉ bảo đảm kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho Văn phòng tham mưu giúp việc của Đoàn ĐBQH.
Thứ tư, về cơ quan tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH, thay vì quy định “bộ phận tham mưu, giúp việc”,đề nghị luật quy định là “bộ máy tham mưu, giúp việc hoạt động của Đoàn ĐBQH”.
Nhằm thực hiện việc tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy tham mưu, giúp việc, đại biểu cho rằng sau khi kết thúc thí điểm việc sáp nhập 3 văn phòng, nên xem xét sáp nhập hai văn phòng thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành thống nhất quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế, phương thức hoạt động, trụ sở, kinh phí hoạt động. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Vương Ngọc Hà (Phó đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Giang).
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp Quốc hội, từ đó đổi mới phương thức làm việc của bộ máy quyền lực nhà nước.