Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) góp ý thảo luận tổ
Tại buổi thảo luận, Đại biểu Trần Đình Gia – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bí thư huyện ủy Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bày tỏ quan điểm đồng tình với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Là thành viên của Ủy ban Pháp luật, đại biểu đã được tiếp cận với các đề xuất tờ trình của Chính phủ, nên tham gia buổi thảo luận này, đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu tham gia ý kiến về cơ cấu của Thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp huyện.
Đại biểu thống nhất với phương án Thường trực HĐND cấp tỉnh vẫn giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch, đại biểu lý giải: Về thực chất thì cơ cấu, biên chế không thay đổi, tuy nhiên về vai trò chức năng hoạt động thì hai Phó Chủ tịch là Thường trực HĐND phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc trong các hoạt động của HĐND cấp tỉnh.
Đối với Thường trực HĐND cấp huyện và Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2, theo đại biểu cần rà soát kỹ lưỡng lại số lượng Thường trực HĐND cấp huyện và Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2 căn cứ vào biên chế và vị trí việc làm cho phù hợp.
Đối với hoạt động của Thường trực HĐND, thực tiễn tại địa phương một số nhiệm vụ đột xuất cần giải quyết thì phải cần sự quyết định của HĐND cho nên việc giải quyết công việc rất khó khăn. Theo luật mới thì số lượng Thường trực HĐND được tăng gần gấp đôi cho nên đại biểu đề xuất cần ủy quyền cho Thường trực HĐND thêm một số nhiệm vụ để đại diện cho HĐND khi giải quyết các công việc, nhiệm vụ đột xuất…
Đại biểu lấy ví dụ đặt tên cho các tuyến đường, các con phố thì Thường trực HĐND có thể thay mặt HĐND để thực hiện các nhiệm vụ.
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đại biểu đồng tình với phương án lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập từ biên chế công chức thành viên chức, tuy nhiên thực tế để chuyển các đồng chí từ biên chế công chức thành viên chức là rất khó khăn, đại biểu đề xuất cần có quy định cụ thể đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập để trở thành cán bộ, lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, cơ quan hành chính, cơ quan đảng, đoàn thể.
Về hình thức kỷ luật, đại biểu cho rằng cần duy trì hình thức kỷ luật “giáng chức” để phù hợp với thực tiễn. Đại biểu lấy ví dụ: Để kỷ luật một đồng chí đứng đầu một sở, ban, ngành nào đó nếu vi phạm hình thức kỷ luật khi không hoàn thành nhiệm vụ, nếu không có hình thức kỷ luật “giáng chức” thì sẽ chuyển xuống làm chuyên viên sẽ không phù hợp với thực tiễn...